Khủng hoảng sức khoẻ cộng đồng chực chờ Hy Lạp sau loạt thảm họa khí hậu

Giới chuyên gia cảnh báo các yếu tố như nguồn nước tù đọng, hệ thống thoát nước bị hỏng và xác động vật chết khi kết hợp sẽ là nguồn lây nhiễm tiềm ẩn cho người dân Hy Lạp sau thảm họa lũ lụt vừa qua.

Chú thích ảnh
Sơ tán người dân các khu vực bị ảnh hưởng bởi ngập lụt tới nơi ở tạm tại Karditsa, Hy Lạp, ngày 8/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng thông tấn Anadolu, trong bối cảnh các thảm họa khí hậu trở thành mối nguy hiểm trên toàn thế giới, Địa Trung Hải là khu vực bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề trong năm nay, với các đợt nắng nóng, hạn hán, cháy rừng và lũ lụt đang tàn phá các quốc gia như Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria và gần đây nhất là Libya.

Chỉ tính riêng Hy Lạp, quốc gia này đã phải đối mặt với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm các vụ cháy rừng lớn ở khu vực trung tâm Attika và vùng Đông Bắc Evros. Đây là vụ cháy rừng lớn nhất ở châu Âu trong 20 năm qua, thiêu rụi hơn 80.000 ha đất rừng. Các chuyên gia và tổ chức y tế đã chỉ ra các đám cháy gây ra một số mối đe dọa trực tiếp và gián tiếp đối với sức khỏe cộng đồng, bao gồm bị bỏng và bị thương do tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa hoặc nhiệt bức xạ, mất nước và đột quỵ do nhiệt, cũng như các bệnh hô hấp mãn tính do khói.

Bên cạnh cháy rừng, tình trạng lũ lụt tàn phá khu vực Thessaly miền Trung Hy Lạp càng làm nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng sức khoẻ cộng đồng mà quốc gia phải đối mặt. Đợt lũ này đã phá hủy hệ thống nước của nhiều thị trấn, khiến hàng chục nghìn người không được tiếp cận với nước sạch và giết chết hàng trăm nghìn gia súc.

Theo Dimitrios Paraskevis và Kassiani Mellou - hai chuyên gia cấp cao của Tổ chức Y tế Công cộng Quốc gia Hy Lạp (EODY), những rủi ro chính đối với sức khoẻ con người do nước lũ gây ra là các bệnh lây truyền qua nước ô nhiễm và vật chủ trung gian, cùng với các bệnh lây truyền qua loài gặm nhấm. Các chuyên gia nhấn mạnh vệ sinh cá nhân là điều quan trọng nhất vào thời điểm này đối với những người dân bị ảnh hưởng.

Chú thích ảnh
Cảnh ngập lụt sau những trận mưa lớn tại Karditsa, Hy Lạp, ngày 8/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Đề cập đến tình trạng muỗi sinh sôi do nước lũ ứ đọng, hai chuyên gia Paraskevis và Mellou cho biết: “Do các trường hợp nhiễm virus Tây sông Nile (một loại virus lây truyền qua muỗi) đã được phát hiện gần đây ở một số khu vực bị ảnh hưởng do lũ lụt, chúng tôi đã triển khai các biện pháp cụ thể đồng thời nâng cao cảnh giác ở các cơ quan y tế cộng đồng địa phương”. Họ nhấn mạnh cho đến nay, các hệ thống giám sát chưa xác định được bất kỳ rủi ro sức khỏe nghiêm trọng nào đối với người dân.

Gkikas Magiorkinis, chuyên gia cấp cao về vệ sinh và dịch tễ học tại trường đại học Y thuộc Đại học Athens, chỉ ra nguyên nhân chính gây ra rủi ro sức khỏe cộng đồng ở Thessaly là kết hợp các yếu tố như nước đọng, hệ thống thoát nước bị hỏng và động vật chết.

“Không thể tách rời ba yếu tố hiện có ở Thessaly. Chúng kết hợp với nhau và trở thành nguồn bệnh truyền nhiễm tiềm ẩn. Chúng chủ yếu gây ra các bệnh như viêm dạ dày ruột truyền nhiễm và viêm gan A, bệnh leptospirosis do động vật gặm nhấm chết trong nước tù đọng”, chuyên gia Gkikas lý giải, đồng thời nói thêm mục tiêu y tế công cộng hàng đầu trong giai đoạn hiện nay là đảm bảo khả năng tiếp cận nước sạch và uống được. Điều cần thiết nhất hiện nay là phải nâng cao nhận thức ở những vùng bị lũ lụt để thông báo cho người dân về các biện pháp phòng ngừa nhằm tránh bệnh tật và khả năng lây nhiễm.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Anadolu)
Hy Lạp sơ tán khẩn cấp người dân vùng lũ lụt
Hy Lạp sơ tán khẩn cấp người dân vùng lũ lụt

Ngày 8/9, cơn bão Daniel hoành hành ở Hy Lạp đã suy yếu nhưng nước lũ tiếp tục dâng cao tại các khu vực miền Trung nước này, buộc giới chức địa phương phải phát lệnh sơ tán khẩn cấp người dân tại đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN