Khủng hoảng nhà ở tại quốc gia giàu nhất EU

Người dân Luxembourg có thể được xếp vào dạng giàu nhất Liên minh châu Âu (EU), nhưng chi phí mua hoặc thuê nhà cao chót vót ở nước này khiến một số người gần như không thể sống ở đây.

Chú thích ảnh
Một cuộc biểu tình phản đối giá nhà cao ở Luxembourg. Ảnh: AFP

Theo hãng tin AFP, khảo sát cho thấy cuộc khủng hoảng nhà ở đã trở thành mối quan tâm số một tại Luxembourg – một Đại công quốc có 660.000 dân.

Một người dân tên là Pascale Zaourou cho biết bà đã phải đợi 5 năm mới có thể tiếp cận được khu nhà ở xã hội. Trong một cuộc biểu tình gần đây ở thành phố Luxembourg, bà nói: “Trên thị trường tư nhân, thuê một căn hộ hai phòng có giá ít nhất 2.000 euro. Điều này là khó khăn nếu nhà chỉ có một người có thu nhập”. Bà cho biết: “Nhà ở giá rẻ đang khan hiếm, đặc biệt đối với những người trẻ tuổi và các gia đình đơn thân”.

Ông Antoine Paccoud, một nhà nghiên cứu tại Housing Observatory, nói: “Ngày càng có nhiều người Luxembourg sang sống ở Đức, Bỉ hoặc Pháp chỉ vì giá thuê và giá bất động sản ở đó thấp hơn”.

Tình hình đang trở nên khó khăn đối với Luxembourg - một quốc gia có nền kinh tế phát triển dựa trên các dịch vụ tài chính. Theo ước tính từ cơ quan thống kê của EU, thu nhập ròng trung bình của một người lao động ở Luxembourg là 47.000 euro hàng năm vào năm 2022. Đây là mức cao nhất trong khối.

Tại thủ đô của Luxembourg, những căn hộ xây mới được bán với giá 13.000 euro/m2, còn những căn hộ cũ có giá 10.700 euro. Giá trung bình của một ngôi nhà là 1,5 triệu euro.

Giá thuê tăng 6,7% trong khoảng thời gian từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2023, nhanh hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát 3,4% trong khoảng thời gian đó.

Theo ông Philippe Poirier, nhà phân tích chính trị tại Đại học Luxembourg, nhà ở đã trở thành vấn đề làm lu mờ tất cả những vấn đề khác tại các cuộc bầu cử. Trong đó, tình trạng khan hiếm nhà ở và đất đai, chi phí xây nhà, chi phí mua nhà và giá thuê nhà cao là những vấn đề chính.

Hai đảng chính trị lớn đều đã cam kết hành động. Đảng Tự do của Thủ tướng Xavier Bettel hứa sẽ thành lập một siêu bộ về nhà ở, muốn đánh thuế bất động sản không người ở cao hơn và đầu tư vào nhà ở xã hội. Trong khi đó, lãnh đạo đảng Xã hội Paulette Lenert đang thúc đẩy đầu tư lớn vào nhà ở giá rẻ.

Tuy nhiên, các vấn đề về nhà ở đã ăn sâu và thay đổi sẽ không dễ dàng.

Theo ông Paccoud, do không có thuế thừa kế và chỉ có các khoản thuế mang tính tượng trưng nên đã khuyến khích chủ sở hữu giữ mảnh đất mà không cần xây dựng.

Ông cho biết: “0,5% dân số, tương đương 3.000 người, sở hữu một nửa diện tích đất có thể xây dựng. Những chủ sở hữu này đang giữ đất càng lâu càng tốt vì giá đang tăng”.

Các cơ hội kinh tế ở Luxembourg cũng thu hút một lượng lớn lao động nước ngoài tới, làm tăng chi phí cho quỹ nhà ở hạn chế. Khoảng một nửa số người sống ở Luxembourg không phải là công dân nước này.

Có một khoảng cách rất lớn về tỷ lệ sở hữu nhà giữa người Luxembourg bản xứ (80%) và cư dân người nước ngoài (50%).

Trong khi nhiều người Luxembourg gần như được đảm bảo việc làm trong các cơ quan nhà nước thì người nước ngoài lại phải đối mặt với thị trường việc làm luôn thay đổi. Ông Poirier nói: “Những người ở cuối bảng xếp hạng ở Luxembourg thường là người nước ngoài”.

Theo một báo cáo gần đây, mặc dù có mức lương cao và mức lương tối thiểu chính thức là 2.571 euro một tháng, nhưng Luxembourg vẫn là một trong 3 nước trong khu vực đồng euro có nguy cơ nghèo đói cao ở các gia đình đơn thân chỉ có một người có thu nhập.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Các nhà xuất khẩu dầu của Nga chuyển hướng sang thị trường châu Phi
Các nhà xuất khẩu dầu của Nga chuyển hướng sang thị trường châu Phi

Cuộc xung đột ở Ukraine đã và đang dẫn đến những thay đổi trong hợp tác năng lượng của Nga với các nước châu Phi - nơi được coi là mục tiêu ưu tiên cho đầu tư thượng nguồn ở nước ngoài trong tương lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN