Các biện pháp trên nằm trong bộ tiêu chuẩn tiết kiệm điện quốc gia do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản vừa ban hành đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, nhằm đối phó với nguy cơ thiếu điện vào những tháng cao điểm mùa hè và mùa đông. Đây là cảnh báo quốc gia đầu tiên kể từ năm 2015 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 đến ngày 30/9.
Báo The Straits Times đưa tin các cơ quan chính phủ sẽ tiên phong thực hiện bằng cách tuân thủ các hướng dẫn về nhiệt độ phòng và tắt đèn chiếu sáng.
Giới chức Nhật Bản đã phát động chiến dịch tiết kiệm điện trong bối cảnh cơ quan khí tượng cảnh báo quốc gia này có 50% khả năng phải chịu nắng nóng hơn mức bình thường vào mùa hè năm nay.
Riêng chính quyền thủ đô Tokyo đã thực hiện một chiến dịch được gọi là HTT (giảm bớt, sáng tạo, tích trữ trong tiếng Nhật), đồng thời kêu gọi người dân rút phích cắm các thiết bị điện, xem tivi ít hơn một giờ mỗi ngày và tắt chức năng sưởi trên bồn cầu.
Trước tình hình cuộc khủng hoảng điện trở nên tồi tệ hơn do nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mất ổn định và ảnh hưởng bởi cuộc xung đột ở Ukraine, các dữ liệu cũng cho thấy Nhật Bản có thể đã quá vội vàng đóng cửa một loạt nhà máy nhiệt điện cũ bị đóng cửa, trong khi chưa thể đảm bảo nguồn cung cấp ổn định từ năng lượng tái tạo.
Một báo cáo của đài truyền hình NHK hôm 13/6 cho biết các nhà máy nhiệt điện trong 5 năm qua đã giảm công suất 16 triệu kilowatt/giờ, tương đương với lượng điện đủ để cung cấp cho khoảng 5,4 triệu hộ gia đình.
Ngoài ra, kế hoạch triển khai thêm 13 nhà máy điện khác từ năm ngoái cũng đã bị dừng lại. Báo cáo của NHK cho biết: “Rõ ràng là việc sản xuất nhiệt điện giảm mạnh đang gây ra tình trạng thiếu điện hiện nay”.