Theo tờ Politico, chiến dịch của các tập đoàn công nghiệp Mỹ nhằm phản đối nỗ lực của châu Âu trong việc cắt giảm chất thải từ bao bì đóng gói cho các sản phẩm tiêu dùng, từ sản phẩm tươi sống đến chai dầu gội mini trong phòng khách sạn, đã thu hút được sự chú ý từ chính phủ Mỹ.
Các nhóm thương mại Mỹ cảnh báo đạo luật mà EU đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt về thành phần tái chế và tái sử dụng đối với các sản phẩm nội địa và nhập khẩu có thể buộc Mỹ phải hạn chế xuất khẩu sang châu Âu.
Jennifer Turner, một trong các giám đốc điều hành tại Diễn đàn Môi trường thuộc Trung tâm Wilson, tổ chức tư vấn phi đảng phái chuyên về các vấn đề quốc tế, cho biết: “Đây có thể trở thành một vấn đề thương mại lớn. Các quốc gia khác đang cố gắng bán hàng cho EU cũng sẽ lo ngại”.
Các quan chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Bộ Thương mại Mỹ đã thực hiện một số chuyến đi tới Brussels để tranh luận về đạo luật nói trên. Đầu năm nay, phái đoàn Mỹ tại EU đã đồng tổ chức một sự kiện tại Nghị viện Châu Âu với tên gọi “Đối thoại Mỹ-EU về Bao bì Bền vững” cùng với nhà lập pháp bảo thủ người Italy Pietro Fiocchi.
Văn phòng Thương mại Mỹ tại EU cho biết các biện pháp hạn chế bao bì của EU có thể có tác động tiêu cực đến thương mại sản phẩm quốc tế. Hội đồng Xuất khẩu Sữa Mỹ đang yêu cầu miễn trừ các yêu cầu về bao bì có thể tái sử dụng, lập luận rằng việc gửi lại bao bì đã qua sử dụng cho các nhà sản xuất để tái chế hoặc sử dụng lại sẽ gây khó khăn về mặt hậu cần và thải ra nhiều carbon hơn. Trong khi đó, Hội đồng Chưng cất Rượu Mỹ bày tỏ lo ngại điều khoản buộc các công ty loại bỏ bao bì bị đánh giá là “không cần thiết” như bao bì sử dụng cho mục đích xây dựng thương hiệu của EU sẽ xoá bỏ tính cạnh tranh trên thị trường và tạo cơ hội cho những kẻ làm hàng giả trà trộn.
Theo ông Max Teplitski, giám đốc khoa học của Hiệp hội Sản phẩm Tươi sống Quốc tế, bao gồm các nhà xuất khẩu có trụ sở tại Mỹ xuất hàng sang châu Âu, những quy định mới mà EU đặt ra sẽ thực sự có khả năng tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu sang châu Âu đối với những người làm ra và phân phối thực phẩm.
Trước đó, các nhà lập pháp châu Âu dự định bỏ phiếu về đề xuất trên trong tuần này song lịch trình đã bị hoãn lại sang tháng sau trong bối cảnh xuất hiện chia rẽ sâu sắc trong ủy ban quốc hội châu Âu.
Đây không phải là lần đầu tiên các đề xuất quản lý trong thương mại của Brussels khiến doanh nghiệp Mỹ lo sợ. Nhưng tranh cãi này càng làm bật lên những mối lo ngại kinh tế liên quan đến nỗ lực của châu Âu trong việc tìm cách cân bằng giữa lợi ích môi trường và thương mại quốc tế.