Về mặt thuận lợi, rút kinh nghiệm từ chính vụ việc của người tiền nhiệm Srettha Thavisin, từng ứng cử viên cho danh sách nội các mới đã được sàng lọc kỹ lưỡng hơn về tiêu chuẩn và trình độ chuyên môn để tránh bất cứ rủi ro nào về mặt pháp lý. Nội các mới của bà Paetongtarn vẫn giữ lại nhiều gương mặt cũ trong chính phủ cựu Thủ tướng Srettha, nhưng tất cả những nhân vật từng có khúc mắc pháp lý trong quá khứ đều đã bị loại hoặc tự động rút lui.
So với nội các cũ, nội các mới của bà Paetongtarn cũng có nhiều phó thủ tướng kiêm nhiệm bộ trưởng các bộ ngành quan trọng hơn trước để hỗ trợ Thủ tướng trong việc triển khai chính sách. Bên cạnh đó, với sự tham gia của đảng Dân chủ với 25 ghế nghị sĩ vào liên minh cầm quyền do đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) dẫn đầu, nội các mới của bà Paetongtarn giờ đây có sự ủng hộ của 322 nghị sĩ tại Hạ viện 500 ghế (hiện còn trống 7 ghế). Điều này cũng giúp cho việc thông qua các quyết sách của liên minh cầm quyền tại Hạ viện được thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, nhiệm vụ của chính phủ mới rất nặng nề, sẽ phải tăng tốc nỗ lực để giải quyết nhiều vấn đề cấp bách khác nhau. Trước mắt, đó là việc đối phó với tình hình lũ lụt đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương trên khắp cả nước, đòi hỏi chính phủ phải có biện pháp cứu trợ người dân và hạn chế thiệt hại. Sau đó là việc thực hiện các cam kết bầu cử mà đảng Pheu Thai đã đưa ra trước đó. Như lời một số lãnh đạo hàng đầu của đảng Pheu Thai tuyên bố, chính phủ mới sẽ tiếp tục những chính sách dở dang mà cựu Thủ tướng Srettha đã thực hiện, song thách thức đặt ra với bà Paetongtarn cũng như nội các mới là lựa chọn những chính sách nào để đi tiếp và những gì cần phải dừng lại.
Trong gần một năm ông Srettha tại nhiệm, chương trình ví số hứa hẹn trao 10.000 baht tiền số cho tối đa 50 triệu công dân Thái Lan từ 16 tuổi trở lên cho đến nay vẫn chưa được thực hiện. Tham vọng của cựu Thủ tướng đưa Thái Lan thành “trung tâm” của mọi thứ, từ ẩm thực tới thời trang, từ võ thuật đến phim ảnh... bị đánh giá là quá dàn trải và không có điểm nhấn.
Siêu dự án Cầu đất liền mà ông Srettha quảng bá ở mọi chuyến công du nước ngoài cũng vấp phải nhiều ý kiến cho rằng tốn kém mà chưa rõ hiệu quả tới đâu. Như vậy, triển khai chương trình ví số như thế nào cho xứng với kỳ vọng của người dân và ưu tiên thúc đẩy những chính sách nào để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng trì trệ mấy năm qua sẽ là bài toán cần chính phủ mới sớm có lời giải.
Tiếp đó, truyền thống gia đình có bố và cô ruột từng làm thủ tướng tưởng là lợi thế nhưng có thể biến thành “cạm bẫy” đối với nữ Thủ tướng trẻ tuổi. Bà Paetongtarn từng nói rằng bà có thể tìm lời khuyên ở người cha của mình trong việc điều hành chính phủ mới, song vấn đề ở đây là ranh giới giữa “lời khuyên” với “sự can thiệp” rất mong manh bởi chỉ sơ sểnh một chút, ngay cả một đảng đang cầm quyền cũng có thể rơi vào vòng xoáy kiện tụng yêu cầu giải tán vì lý do để bị can thiệp, bị các yếu tố bên ngoài tác động và người vi phạm có thể bị mất chức. Chưa kể, bà cũng phải rất khéo léo để lãnh đạo một liên minh cầm quyền gồm 11 đảng chính trị với nền tảng và vị trí khác nhau.
Sau lễ nhậm chức của Nội các mới dự kiến diễn ra vào 17h00 ngày 6/9, Thủ tướng Paetongtarn sẽ triệu tập cuộc họp đặc biệt để chuẩn bị cho Tuyên bố chính sách mà bà sẽ trình bày trước Quốc hội vào ngày 11/9, trong đó nêu ra những mục tiêu của chính phủ mới. Nữ Thủ tướng sẽ chính thức đảm nhận trọng trách từ ngày 16/9 với cuộc họp nội các đầu tiên diễn ra một ngày sau đó. Với tuổi đời trẻ trung, bà Paetongtarn được kỳ vọng sẽ mang đến làn gió tươi mới cho đất nước Thái Lan và trên hết người dân chờ đợi bà có thể thực hiện được cam kết hoàn thành tốt nhất trách nhiệm của mình, đưa Thái Lan trở thành vùng đất của cơ hội, hy vọng và hạnh phúc cho toàn thể người dân.