Kế hoạch ngoại giao 2020 của Trung Quốc đổ bể vì COVID-19

Diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do virus SARS-CoV-2 gây ra đã khiến các chương trình nghị sự ngoại giao của Trung Quốc gián đoạn và dự đoán tiếp tục ảnh hưởng tới nhiều cuộc gặp trực tiếp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhiều nguyên thủ các nước trong những tháng tới.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 9/11/2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), năm ngoái, các cuộc gặp mặt trực tiếp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và những người đồng cấp là nền tảng ngoại giao của Trung Quốc. Chỉ trong 2019, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thăm tổng cộng 13 quốc gia châu Âu, châu Á và Nam Mỹ, cũng như tham dự năm hội nghị quốc tế và đem lại nhiều kết quả đáng chú ý.

Cụ thể, tháng 6/2019, sau cuộc hội đàm tại Nhật Bản bên lề Hội nghị cấp cao G-20, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo một “lệnh ngừng bắn” tạm thời chiến tranh thương mại. Hay như chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới châu Âu trong tháng 3/2019 cũng mang về bản ghi nhớ với Italy – quốc gia đầu tiên trong Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) - chính thức gia nhập Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Tuy nhiên, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) cuối tháng 12 năm ngoái và nhanh chóng sau đó lan rộng ra gần 212 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến ít nhất 3,4 triệu người mắc bệnh và trên 240.000 người tử vong, hàng loạt kế hoạch công du của Chủ tịch Trung Quốc tới các nước khác cũng như các cuộc hội tụ nguyên thủ, lãnh đạo các nước tại Bắc Kinh đều bị hủy bỏ.

Cụ thể, chuyến thăm Nhật Bản dự kiến đầu tháng 4 của ông Tập Cận Bình đã được thông báo phải hoãn do dịch COVID-19. Theo kế hoạch ban đầu, nhà lãnh đạo Trung Quốc có cuộc gặp Nhật Hoàng Naruhito và Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe. Cuộc hội nghị thượng đỉnh giữa Bắc Kinh và Brussels vào cuối tháng Ba vừa qua cũng cùng chung cảnh, khiến ông Tập Cận Bình lỡ cơ hội gặp các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) mới. 

Bên cạnh đó, nguy cơ làn sóng lây lan dịch bệnh thứ 2 trong năm nay có thể trì hoãn nhiều chương trình nghị sự ngoại giao, khiến kế hoạch biến 2020 thành “Năm châu Âu” của Trung Quốc phần nào ảnh hưởng. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 24/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trung Quốc hy vọng các các hội đàm về đầu tư sẽ có kết quả trong cuộc hội nghị thượng đỉnh tháng 9 năm nay, khi ông Tập Cận Bình dự kiến lần đầu tiên gặp gỡ đủ 27 lãnh đạo các nước thành viên EU tại Leipzig, Đức. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, giới quan sát cho rằng mục tiêu đó khó có thể đạt được. Họ cho rằng sự cấp bách trong việc giải quyết vấn đề dịch bệnh và vực dậy chuỗi cung ứng toàn cầu có thể phủ bóng hội nghị tháng 9, trong khi kết quả không được như mong muốn vì không có đủ thời gian cho các bên thương thảo về thỏa thuận đầu tư.

“Chúng tôi không muốn một thỏa thuận mà ra kết quả chỉ để đạt được hạn chót đề ra. Nếu như đại dịch COVID-19 không thể khống chế, hội nghị tháng 9 tới chưa chắc sẽ có kết quả”, một nguồn tin ngoại giao từ châu Âu tiết lộ.

Một vấn đề khác đối với ngoại giao Trung Quốc đang phải đối mặt là Bắc Kinh đang bị nhiều quốc gia đổ lỗi vì khiến virus SARS-CoV-2 lây lan. Theo một nguồn tin ngoại giao, trọng tâm trong chương trình nghị sự ngoại giao của Trung Quốc trong năm nay có thể chuyển sang giảm bớt thiệt hại.

Trước những cáo buộc “che giấu dịch bệnh” của Mỹ và một số quốc gia phương Tây, các đại sứ quán Trung Quốc trên khắp thế giới đã lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ Bắc Kinh trước sự thù địch quốc tế đang gia tăng. Bắc Kinh khẳng định họ minh bạch trong việc xử lý cuộc khủng hoảng y tế lần này và tích cực hợp tác với các nước khác trong nỗ lực kiểm soát, bao gồm gửi vật tư y tế đến các nước,  tổ chức các hội nghị video để chia sẻ kinh nghiệm với các bác sĩ nước ngoài và tài trợ thêm cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Shi Yinhong, giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, nhận định sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 khiến quan hệ của Trung Quốc với những quốc gia còn lại trên thế giới thêm phức tạp. “Kết quả là, điều này sẽ làm giảm khả năng gặp mặt trực tiếp của Chủ tịch Tập Cận Bình với lãnh đạo các nước phương Tây”.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia từng đảm nhiệm vai trò cố vấn trong chính phủ này cũng cho biết COVID-19 sẽ kéo theo sự thay đổi trong quan hệ Trung-Nga và làm gia tăng cẳng thẳng với các quốc gia châu Phi. “Tình hình thế giới đã trải qua nhiều biến động chóng mặt trong một vài tháng trở lại đây vì đại dịch. Chính vì vậy, Trung Quốc cần phải điều chỉnh chính sách ngoại giao”.

Không rõ đại dịch còn ảnh hưởng như thế nào đến các hội nghị toàn cầu khác trong năm nay, bao gồm hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến tổ chức vào tháng 11 tại Riyadh, hay hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo APEC sắp diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaysia). Ngoài ra còn có hội nghị các nước BRICS - nhóm các nền kinh tế đang phát triển của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - vào tháng 7 tại Nga và hội nghị của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Ông Lu Xiang, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-Mỹ tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, dự đoán khả năng tổ chức các cuộc hội nghị trực tiếp là rất thấp và các nhà lãnh đạo phải duy trì liên lạc qua các cuộc điện đàm và hội nghị video, kéo theo hiệu quả có thể không đạt được như mong đợi. 

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
COVID-19 khiến phe chống Trung Quốc trong chính quyền Mỹ thắng thế
COVID-19 khiến phe chống Trung Quốc trong chính quyền Mỹ thắng thế

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), thế lực theo quan điểm cứng rắn ở cả Bắc Kinh và Washington đều gia tăng nỗ lực nhằm phân tách những cấu thành trong quan hệ song phương Mỹ-Trung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN