Kế hoạch hóa gia đình vì sự thịnh vượng và tiến bộ của loài người

Năm 1968, Hội nghị quốc tế về quyền con người lần đầu tiên khẳng định kế hoạch hóa gia đình là một quyền cơ bản của con người.

Chú thích ảnh
Em bé sơ sinh tại trại tị nạn Kutupalong ở Ukhia, Bangladesh ngày 14/10/2017.  Ảnh: AFP/TTXVN

Tròn 50 năm sau, Ngày Dân số thế giới 11/7/2018 một lần nữa nhắc lại thông điệp này nhằm nâng cao nhận thức của toàn thế giới về kế hoạch hóa gia đình khi khẳng định đây là chìa khóa để chống đói nghèo, trao quyền cho phụ nữ và là tiền đề cho phát triển bền vững.

Theo số liệu của Liên hợp quốc (LHQ), dân số thế giới hiện là khoảng 7,6 tỷ người, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ là 3 nước đứng đầu về dân số. Với tốc độ tăng dân số 83 triệu người/năm hiện nay, dự báo năm 2030 dân số thế giới sẽ đạt 8,6 tỷ người, năm 2050 tăng lên 9,8 tỷ người và năm 2100 sẽ lên đến 11,2 tỷ người.

Trong khi đó, theo nhiều nghiên cứu trên thế giới về sức chứa của Trái Đất, các nhà khoa học ước tính 8 tỷ người là ngưỡng an toàn về dân số để “Hành tinh xanh” có thể phát triển ổn định. Như vậy, quy mô dân số đã sắp vượt qua ngưỡng Trái Đất có thể nuôi sống con người. Điều này có thể dẫn tới rất nhiều hậu quả: sự khai thác tài nguyên quá mức, môi trường sinh thái bị phá hoại nặng nề, an sinh xã hội không được đảm bảo, thiếu lương thực, năng lượng, nước …. Thậm chí, sự tồn tại nhân loại cũng có thể đối diện với nhiều nguy cơ. Vì thế, đảm bảo sự phát triển dân số bền vững là một yêu cầu cấp thiết đặt ra lúc này.

Tuyên bố Tehran 1968 được thông qua tại hội nghị về quyền con người đã khẳng định “một quyền cơ bản của cha mẹ là có thể quyết định số trẻ và khoảng cách sinh giữa những đứa con của mình”. Tuy nhiên, sau 50 năm, tại các khu vực đang phát triển, khoảng 214 triệu phụ nữ vẫn không được tiếp cận với các biện pháp kế hoạch hóa gia đình an toàn và hiệu quả vì hàng loạt các nguyên nhân từ thiếu kiến thức hay dịch vụ cho đến thiếu sự hỗ trợ từ người thân hay cộng đồng. Điều này đe dọa khả năng xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân họ, gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, gần 50% trong số 56 triệu ca phá thai được tiến hành trên thế giới được tiến hành không đảm bảo dẫn đến cái chết của ít nhất 22.800 phụ nữ mỗi năm. Cũng theo thống kê, 95% trường hợp sinh nở của những thiếu nữ mới trưởng thành là tại các quốc gia đang phát triển. Đây cũng là lý do kế hoạch hóa gia đình được chọn làm tiêu điểm của Ngày Dân số thế giới 2018. 

Quỹ Dân số Thế giới (UNFPA) đã tính rằng nếu đáp ứng được nhu cầu của phụ nữ ở thế giới đang phát triển muốn được tiếp cận các biện pháp kế hoạch hóa gia đình hiệu quả và an toàn, điều này sẽ làm giảm được khoảng 100.000 ca tử vong ở phụ nữ đang mang thai và tránh được 67 triệu ca có thai ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, mỗi USD được chi thêm cho các dịch vụ tránh thai sẽ khiến chi phí chăm sóc sức khỏe thai sản giảm bớt 2,30 USD.

Việc kế hoạch hóa gia đình tự nguyện, có thể thúc đẩy nền kinh tế và đóng góp vào sự phát triển bền vững. Khi phụ nữ có thể tự do quyết định việc có sinh con hay không, thời điểm sinh con và số con mong muốn, họ sẽ có cơ hội hoàn thành các bậc học cao hơn và số năm đi học ở phụ nữ sẽ tỷ lệ nghịch với số con họ sinh. Phụ nữ có nhiều cơ hội hơn để có thể tìm kiếm các công việc được trả lương và tăng mức thu nhập cho gia đình. Khi phụ nữ tiếp cận được với các nguồn lực trong sản xuất, phụ nữ cho biết sức khỏe của họ được chăm sóc tốt hơn, họ có thể đạt được trình độ học vấn cao hơn và ít phải gánh chịu bạo lực từ người chồng/bạn tình hơn. Những tác động tích cực này cũng tiếp tục được “di truyền” cho thế hệ con cái của họ. Chính vì vậy, đầu tư vào kế hoạch hóa gia đình sẽ giúp phụ nữ nâng cao vị thế của mình hơn, giúp họ và gia đình được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, được giáo dục tốt hơn và góp phần tạo ra nhiều lợi ích kinh tế hơn.

Kế hoạch hóa gia đình an toàn và hiệu quả cũng góp phần vào sự thành công của chương trình nghị sự Phát triển Bền vững 2030, nhất là những mục tiêu giảm nghèo, xóa đói, cải thiện sức khỏe và bình đẳng giới.

Nhiều năm qua, các nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi, đã nỗ lực thực hiện các chương trình kế hoạch hóa gia đình tự nguyện, kiểm soát sinh đẻ nhằm giảm tốc độ gia tăng của dân số thế giới. Với dân số đã chạm mốc 100 triệu người, Ai Cập mới đây đã triển khai chiến dịch mang tên “Hai là đủ” với nhiệm vụ thuyết phục những cặp vợ chồng trẻ chỉ đẻ 2 con. Ngoài kêu gọi người dân, chiến dịch này cũng cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người mẹ và trẻ em với khoản trợ cấp tiền mặt cho khoảng 1,15 triệu phụ nữ.

Bangladesh cũng được cho là một trong những quốc gia thành công trong việc giảm tỷ lệ sinh. Việc sử dụng các biện pháp tránh thai ở Bangladesh đã tăng từ khoảng 8% trong năm 1975 lên hơn 61% năm 2011. Tỷ lệ sinh tại Bangladesh cũng một nửa từ mức 6,3 trẻ/phụ nữ trong khoảng thời gian từ năm 1971 đến 2004. Theo các nhà nghiên cứu, việc kiểm soát sinh đẻ cho phụ nữ Bangladesh nhiều quyền kiểm soát hơn đối với cuộc sống và cho họ những cơ hội. Ngoài ra, kiểm soát việc sinh con giúp cải thiện sức khỏe của cả người mẹ và đứa trẻ.

Tuy nhiên, không phải nước này cũng đạt được thành công. Năm 1975, Ấn Độ áp dụng các biện pháp kiểm soát dân số triệt để với gần 8 triệu đàn ông, song các biện pháp này hầu như không ảnh hưởng tới tốc độ tăng dân số. Những người phụ nữ nghèo về cơ bản vấn tiếp tục có con và Ấn Độ dự báo sẽ vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2024. Đặc biệt, việc phụ nữ không có quyền được tiếp cận các biện pháp kế hoạch hóa gia đình tự nguyện đang tạo nguy cơ bùng nổ dân số ở nhiều nơi, như Tây Phi hay Nam Á. Do đó, việc áp đặt các biện pháp kiểm soát sinh đẻ là cần thiết, những chỉ giải quyết được bề mặt vấn đề. Giáo dục và trao quyền cho phụ nữ mới là biện pháp triệt để.

Sáng kiến "Kế hoạch hóa gia đình 2020" được UNFPA đưa ra đặt mục tiêu tăng số phụ nữ được tiếp cận các biện pháp kế hoạch hóa gia đình tự nguyện lên thêm 120 triệu người vào năm 2020, và tới năm 2030 đáp ứng mọi nhu cầu kế hoạch hóa gia đình của mọi người. Kế hoạch hóa gia đình bởi vậy đang được xem là lựa chọn sáng suốt vì tương lai phát triển kinh tế cũng như sự thịnh vượng và tiến bộ của loài người.
 

Trang Đài (TTXVN)
Dân số giảm, nhiều nước Đông Âu đang trên bờ diệt vong
Dân số giảm, nhiều nước Đông Âu đang trên bờ diệt vong

Các số liệu thống kê cho thấy nhiều nước Đông Âu và một số nước thuộc Liên Xô trước đây đang bên bờ diệt vong vì dân số liên tục giảm sau sự tan rã của phe xã hội chủ nghĩa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN