Theo tờ Thời báo Israel mới đây, Iran đã từ bỏ quy định "lằn ranh đỏ" nhằm thúc đẩy việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân với EU, Mỹ và các cường quốc khác trên thế giới.
Cụ thể, Iran đã ngừng yêu cầu Washington loại bỏ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) của nước này khỏi danh sách các Tổ chức khủng bố nước ngoài của Bộ Ngoại giao Mỹ để đổi lấy việc Tehran quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân mà họ đã ký với các cường quốc trên thế giới vào năm 2015.
Một quan chức chính quyền cấp cao của Mỹ nói với kênh CNN rằng Iran đã từ bỏ yêu cầu "ranh giới đỏ" trong bối cảnh có báo cáo rằng các bên sắp đạt được thỏa thuận chung về việc Mỹ và Iran quay trở lại tuân thủ Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA).
Vào năm 2018, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi JCPOA. Sau đó, Washington đã thiết lập một chế độ trừng phạt "gây áp lực tối đa" nhằm vào các lĩnh vực khác nhau của Iran, khiến Tehran phải đáp trả bằng cách mở rộng chương trình hạt nhân của mình.
Tổng thống Mỹ Joe Biden khi nhậm chức đã cam kết sẽ nỗ lực khôi phục thỏa thuận và chính quyền của ông đã dành hơn một năm rưỡi qua cho các cuộc đàm phán gián tiếp liên tục với Iran để đạt được mục tiêu đó.
Quan chức chính quyền cấp cao của Mỹ xác nhận với CNN rằng trong phản ứng của Tehran đối với dự thảo thỏa thuận hạt nhân do Liên minh châu Âu đề xuất, Iran không yêu cầu hủy IRGC khỏi danh sách.
Vào ngày 26/7, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EUJosep Borrell đã đưa ra đề xuất cho Iran về việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân. Tờ Politico dẫn lời một quan chức cấp cao của phương Tây cho biết, phản hồi của Iran đã được đưa ra vào ngày 15/8 và tập trung vào các vấn đề liên quan đến các lệnh trừng phạt và “đảm bảo về cam kết kinh tế”.
Đề xuất của EU cũng làm dịu bớt đòn trừng phạt đối với IRGC. Theo văn bản được đề xuất, châu Âu và những tổ chức khác không phải từ Mỹ có thể tiến hành kinh doanh với các thực thể Iran có tham gia "giao dịch" với IRGC mà không lo ngại các lệnh trừng phạt của Mỹ, với điều kiện là đối tác kinh doanh chính của họ không nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ.
Hãng thông tấn nhà nước IRNA của Iran không cung cấp thông tin chi tiết về nội dung phản ứng của nước này, nhưng cho rằng Tehran vẫn sẽ không thực hiện đề xuất do EU làm trung gian.