Indonesia kêu gọi G7 hỗ trợ xuất khẩu lúa mì từ Ukraine

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đã kêu gọi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hỗ trợ và tạo điều kiện sớm nối lại xuất khẩu lúa mì từ Ukraine như một biện pháp nhằm cải thiện chuỗi cung ứng lương thực bị ảnh hưởng bởi xung đột.

Chú thích ảnh
Cánh đồng lúa mì tại làng Zhovtneve, Ukraine. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Tổng thống Jokowi đã đưa ra lời kêu gọi nói trên trong phiên họp thứ hai của Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra ngày 27/6 tại Elmau, Đức, trong đó phát biểu của nhà lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á này tập trung vào vấn đề lương thực.

Trong một tuyên bố báo chí phát ngày 28/6 trên trang Youtube chính thức của Ban thư ký tổng thống, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ của G7 là cần thiết nhằm tạo thuận lợi và ngay lập tức nối lại hoạt động xuất khẩu lúa mì từ Ukraine.

Bà Marsudi cho biết Tổng thống Jokowi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hỗ trợ từ các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) để đưa lúa mì của Ukraine, cũng như thực phẩm và phân bón của Nga trở lại chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tổng thống Jokowi đã ủng hộ việc áp dụng hai phương pháp để đạt được mục tiêu trên, gồm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu lúa mì của Ukraine, và tuyên truyền cho cộng đồng toàn cầu rằng thực phẩm và phân bón của Nga không chịu các lệnh trừng phạt.

Tổng thống Jokowi tin tưởng rằng việc tuyên truyền rộng rãi này là cần thiết nhằm xóa tan những nghi ngờ vốn đang tiếp tục gây khó khăn cho cộng đồng toàn cầu. Công tác tuyên truyền cũng cần được thực hiện đối với các bên liên quan như ngân hàng, công ty bảo hiểm, và công ty vận tải biển.

Theo Ngoại trưởng Marsudi, Tổng thống Jokowi cũng lưu ý đến tác động thực sự của xung đột Nga-Ukraine đối với chuỗi cung ứng lương thực và phân bón. Nếu không được giải quyết đúng cách, vấn đề này sẽ dẫn đến khan hiếm gạo, ảnh hưởng đến khoảng hai tỷ người, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Ngoài tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 với tư cách là đại diện quốc gia đối tác, Tổng thống Jokowi cũng có 9 cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Pháp, Canada, Đức, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), và các quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Trong hầu hết các cuộc gặp này, Tổng thống Jokowi đều nêu vấn đề về chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu.

Hữu Chiến (Pv TTXVN tại Jakarta)
Vị trí quan trọng của Nga và Ukraine trong thị trường lúa mì toàn cầu
Vị trí quan trọng của Nga và Ukraine trong thị trường lúa mì toàn cầu

Nga và Ukraine lần lượt là các nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất và lớn thứ năm thế giới, chiếm khoảng 25-30% nguồn cung lúa mì toàn cầu. “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã khiến các mặt hàng nông sản của hai quốc gia này không thể xuất khẩu ra thị trường thế giới, gây ra khủng hoảng lương thực toàn cầu, ảnh hưởng tới nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Đông và châu Phi - những khu vực “khô cằn, nắng nóng”, nông nghiệp kém phát triển và lương thực phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN