IEA: 'Kỷ nguyên điện' sẽ theo sau thời kỳ đỉnh cao của nhiên liệu hóa thạch

Ngày 16/10, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết thế giới đang đứng trước sự thay đổi đáng kể hướng tới một kỷ nguyên điện mới, khi nhu cầu nhiên liệu hóa thạch dự kiến sẽ đạt đỉnh vào cuối thập kỷ này. Sự chuyển đổi này có thể dẫn đến nguồn cung dầu và khí đốt dư thừa, từ đó thúc đẩy đầu tư vào năng lượng xanh.

Chú thích ảnh
Cối xay gió tại một nhà máy điện gió ở Vịnh Suez, Ai Cập, ngày 17/9/2022. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Tuy nhiên, báo cáo của IEA cũng chỉ ra sự bất ổn đáng kể do căng thẳng địa chính trị ở các khu vực giàu dầu mỏ như Trung Đông và Nga, cùng với các cuộc bầu cử sắp tới ở các quốc gia chiếm một nửa nhu cầu năng lượng toàn cầu.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho rằng trong nửa cuối thập kỷ này, triển vọng về nguồn cung dầu và khí đốt tự nhiên có thể dồi dào hoặc dư thừa, tùy thuộc vào tình hình địa chính trị. Điều này làm thay đổi cơ bản bối cảnh năng lượng, theo đó, nguồn cung dư thừa có thể dẫn đến giá thấp hơn, cho phép các quốc gia phân bổ nhiều nguồn lực hơn cho các sáng kiến năng lượng sạch.

Trong ngắn hạn, các cuộc xung đột đang diễn ra ở khu vực Trung Đông có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu, làm nổi bật nhu cầu cấp thiết về đầu tư để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các công nghệ năng lượng sạch hơn và an toàn hơn. 

Theo IEA, năm ngoái, công suất năng lượng tái tạo đã đạt mức cao kỷ lục, với hơn 560 gigawatt được bổ sung trên toàn cầu. Dự kiến sẽ có khoản đầu tư trị giá là 2.000 tỷ USD vào năng lượng sạch vào năm nay - gần gấp đôi so với mức đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch. Báo cáo của IEA cũng dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh trước năm 2030 ở mức chỉ dưới 102 triệu thùng/ngày, sau đó giảm xuống còn 99 thùng/ngày vào năm 2035, chủ yếu là do nhu cầu trong lĩnh vực vận tải giảm khi mức sử dụng xe điện tăng lên. 

Báo cáo cũng nêu rõ với các chính sách hiện tại, giá dầu dự kiến sẽ giảm xuống còn 75 USD/thùng vào năm 2050, từ mức 82 USD/thùng vào năm 2023. Tuy nhiên, nếu các quy định nghiêm ngặt hơn về môi trường được áp dụng trên toàn cầu, giá dầu có thể giảm đáng kể xuống còn 25 USD/thùng vào năm 2050.

Trong khi nhu cầu về khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) dự kiến sẽ tăng 145 tỷ mét khối từ năm 2023 đến năm 2030, song nhu cầu này sẽ chậm hơn so với mức tăng công suất xuất khẩu, dự kiến khoảng 270 mét khối trong cùng kỳ. Thặng dư công suất LNG có khả năng tạo ra một thị trường cạnh tranh, với giá tại các khu vực nhập khẩu chính trung bình ở mức 6,5-8 USD cho một triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu) cho đến năm 2035, so với giá LNG tiêu chuẩn hiện tại ở châu Á là khoảng 13 USD/mmBtu.

 

Linh Tô (TTXVN)
Thủ tướng Australia công bố kế hoạch cải tổ kinh tế, đầu tư vào năng lượng xanh
Thủ tướng Australia công bố kế hoạch cải tổ kinh tế, đầu tư vào năng lượng xanh

Ngày 11/4, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã có bài phát biểu trước Câu lạc bộ Truyền thông Queensland để công bố kế hoạch cải tổ nền kinh tế và đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng xanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN