Cuộc tổng bãi công tại Hy Lạp tiếp tục diễn ra trong ngày 15/12 khiến hoạt động giao thông ở nước này hoàn toàn tê liệt. Trong khi đó, các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã xảy ra tại thủ đô Aten, khi hàng trăm người biểu tình quá khích đã đập phá xe hơi và ném bom xăng trên các đường phố để phản đối việc cải cách luật lao động vừa được thông qua. Cảnh sát đã phải bắn đạn hơi cay để giải tán đám đông quá khích ở bên ngoài tòa nhà Quốc hội và nhiều nơi khác trong thành phố.
Tất cả các chuyến bay, các hoạt động phục vụ đường sắt và đường thủy trên cả nước đều phải hủy bỏ, trong khi tình trạng giao thông ở thủ đô Aten trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi các nhân viên ngành giao thông công cộng và nhân viên các hãng taxi tổ chức đình công trong nhiều giờ đồng hồ. Các phóng viên cũng tổ chức đình công trong 24 giờ khiến cho các chương trình trên tivi, đài không thể phát sóng và các tờ báo sẽ không thể ra số ngày hôm nay (16/12). Nhiều cơ quan công quyền, công ty nhà nước, trường học, ngân hàng và một loạt công ty khu vực kinh tế tư nhân cũng trở thành "nạn nhân" của cuộc tổng bãi công này.
Người biểu tình và cảnh sát đụng độ trên đường phố ở thủ đô Aten ngày 15/12. Ảnh: AFP-TTXVN |
Dự kiến tình trạng ách tắc giao thông cũng sẽ tiếp tục diễn ra trong ngày 16 và 17/12. Trước đó, ngày 14/12 tình trạng ách tắc giao thông cũng diễn ra nghiêm trọng trên cả nước Hy Lạp, đặc biệt là thủ đô Aten, khi những người lao động trong ngành giao thông công cộng tổ chức biểu tình trong suốt 24 giờ.
Cuộc tổng bãi công này được xem là đỉnh điểm của làn sóng phản đối kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ Hy Lạp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ. Chính phủ Hy Lạp đang thực hiện các biện pháp khắc khổ để đổi lấy gói trợ giúp tín dụng của Liên minh châu Âu (EU) và Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổng trị giá 110 tỉ euro. Trong cuộc họp quốc hội cuối ngày 14/12, chính phủ Hy Lạp đã thông qua một gói sửa đổi luật lao động quan trọng, theo đó cho phép cắt giảm thu nhập của người lao động, thay hợp đồng lao động tập thể bằng hợp đồng lao động cá nhân, cắt giảm quyền lợi của người lao động và tăng quyền cho người sử dụng lao động.
Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou cho rằng những biện pháp khắc khổ sẽ cứu được nhiều công ty thoát khỏi tình trạng phá sản và sa thải nhân công. Tuy nhiên, giới công đoàn gọi đây là những biện pháp đưa người lao động trở về "thời kỳ trung cổ".
Lê Hải (tổng hợp)