Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, ông Bancha Chaowarin, Thống đốc tỉnh Saraburi, nhấn mạnh ‘“Hộp cát Saraburi” là minh chứng cho sự thành công của Quan hệ đối tác công - tư (PPP) và đã đạt được tiến bộ liên tục kể từ khi thúc đẩy dự án vào tháng 8/2023.
Ông Bancha cho rằng động lực chính của dự án là khu vực tư nhân với sự hỗ trợ từ chính phủ. Các nhóm công tác được thành lập để thực hiện các dự án thí điểm khác nhau như chuyển đổi sang năng lượng sạch, thúc đẩy công nghiệp xanh, sử dụng xi măng thủy lực trong tất cả các dự án xây dựng ở Saraburi, quản lý chất thải bằng công nghệ và đổi mới, mở rộng các khu vực xanh…
Hiện tại, “Hộp cát Saraburi” đang bước vào giai đoạn đầy thử thách trong việc thúc đẩy sự hiểu biết và phối hợp giữa các cơ quan và cộng đồng địa phương, những người đã nhận thức được tầm quan trọng của việc giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, còn một chặng đường dài phía trước và sứ mệnh này sẽ đòi hỏi thời gian và sự kiên trì, cũng như kiến thức và kỹ năng để đạt được Net Zero.
Về phần mình, ông Chana Poomee, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất xi măng Thái Lan (TCMA), cho biết TCMA, với tư cách là một hiệp hội ngành được thành lập từ sự hợp tác của các nhà sản xuất xi măng hàng đầu đất nước, sẽ đóng góp quan trọng vào sự phát triển của hệ sinh thái đô thị đổi mới “Hộp cát Saraburi”, vì xi măng là ngành công nghiệp chính của tỉnh Saraburi.
TCMA thu hút các thành viên của mình thông qua việc sử dụng các cơ chế đổi mới, công nghệ và hỗ trợ quốc tế, để cùng hợp tác trong hệ sinh thái đô thị của Saraburi. Qua đó, thúc đẩy ngành công nghiệp xanh thông qua đổi mới, công nghệ và nghiên cứu, những điều cần thiết cho sự thành công của kế hoạch giảm khí thải nhà kính của Thái Lan và quá trình chuyển đổi của ngành xi măng sang Net Zero vào năm 2050.
Hoạt động đổi mới trong lĩnh vực xi măng gồm 5 lĩnh vực chính. Thứ nhất, nghiên cứu phát triển vật liệu thay thế clinker nhằm giảm phát thải CO2 trong quá trình sản xuất và cải thiện tính chất của xi măng bằng công nghệ nano. Thứ hai, phát triển các sản phẩm bê tông thải ít khí CO2 hơn trong quá trình sản xuất và xây dựng. Thứ ba, phát triển công nghệ để tăng hiệu quả, giảm thời gian, nhân công và lãng phí trong xây dựng. Thứ tư, nghiên cứu và phát triển sinh khối và nhiên liệu có nguồn gốc từ rác thải (RDF) để thay thế than. Nhiên liệu thay thế này giúp giảm lượng khí thải CO2 khoảng 9 - 12 triệu tấn/năm, cũng như bụi mịn PM 2,5 từ đốt cây trồng sau khi thu hoạch, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý chất thải ở Saraburi. Thứ năm, nghiên cứu và phát triển công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ Carbon (CCUS), mặc dù còn khá mới đối với Thái Lan, nhưng là chìa khóa để giảm lượng CO2 được tạo ra ở các giai đoạn khác nhau.
Ông Chana nhấn mạnh rằng TCMA sẵn sàng hỗ trợ tỉnh Saraburi và sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan địa phương trong mọi lĩnh vực để thực hiện mô hình “Hộp cát Saraburi”; đồng thời khẳng định hợp tác đa ngành là chìa khóa để mang lại sự thay đổi, đẩy nhanh việc triển khai dự án“Hộp cát Saraburi”, nhằm mang lại lợi ích cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân.