Hơn 50% người dân tại các nước đang phát triển, trong đó ít nhất 15% người dân tại các nước chậm phát triển nhất, có thể tiếp cận mạng Internet băng thông rộng vào năm 2015. Đây là nhận định trong nghiên cứu vừa công bố của Ủy ban về phát triển kỹ thuật số băng thông rộng thuộc Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO).
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Dẫn nghiên cứu về các thách thức đối với phát triển Internet băng thông rộng tại các nước đang phát triển, phóng viên TTXVN tại LHQ cho biết các chuyên gia nhận định mặc dù đây là một mục tiêu đầy tham vọng nhưng hoàn toàn có thể đạt được vào năm 2015 nếu chính phủ các nước này thể hiện ý chí chính trị và hợp tác chặt chẽ với khu vực kinh tế tư nhân cùng thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin. Nghiên cứu nhấn mạnh thông tin không chỉ là nhu cầu mà còn là quyền của con người. Vì vậy, thế giới cần đảm bảo rằng không ai có thể bị tước mất quyền này trong xã hội tri thức mới toàn cầu. Tất cả các nước cần thúc đẩy chương trình phát triển băng thông rộng quốc gia để giá thành sử dụng công nghệ thông tin hiện đại này chỉ chiếm chưa đầy 5% thu nhập trung bình tối thiểu hàng tháng của mỗi công dân.
Ủy ban trên của UNESCO gồm các nhà chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thông tin băng thông rộng quốc tế, giới học giả, các nhà hoạch định chính sách của các nước và các tổ chức quốc tế. Tổ chức này đã kêu gọi chính phủ các nước không hạn chế đầu tư vào thị trường công nghệ thông tin đồng thời xóa bỏ các khoản thuế không cần thiết để công nghệ băng thông rộng có thể phát huy tối đa các tiềm năng tăng trưởng, trong đó điều quan trọng sống còn là thúc đẩy các khuôn khổ chính sách và luật pháp để đảm bảo dòng thông tin, tăng cường các nội dung thông tin bằng các ngôn ngữ địa phương trong một thế giới mới ngày càng hội nhập để đảm bảo mọi công dân đều có tiếng nói trên mạng trực tuyến, đặc biệt đào tạo công nghệ thông tin viễn thông cho phụ nữ và thanh niên. Lợi ích của thông tin băng rộng đã được khẳng định là to lớn và rõ ràng trong quá trình mở cửa các tư duy mới cho thanh niên thông qua giáo dục và đào tạo, trao quyền cho phụ nữ để tăng cơ hội nâng cao nhận thức về vệ sinh và chăm sóc sức khoẻ, kế hoạch hoá gia đình và tăng thu nhập.
Theo số liệu của LHQ, hiện nay có khoảng 2,3 tỷ người trên thế giới đã sử dụng mạng Internet. Trong 5 năm qua, tỷ lệ số người sử dụng Internet của thế giới đang phát triển đã tăng từ 44% lên 62%. Các nước phát triển băng thông rộng hàng đầu thế giới chủ yếu tập chung ở châu Âu, châu Á và Thái Bình Dương. Công nghệ băng thông rộng đang làm biến đổi mạnh mẽ cuộc sống của con người và ngày càng đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế và tạo việc làm mới.
Anh Tuấn