Ngoài ra, hội nghị cũng dự kiến thảo luận chủ đề lớn hơn về việc mở rộng EU và giải pháp lấp đầy những khoảng trống trong ngân sách dài hạn chung của khối.
Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào thời điểm quan trọng khi vấn đề bổ sung ngân sách dành cho chiến dịch quân sự cũng như đáp ứng các nhu cầu trước mắt và hỗ trợ quá trình phục hồi, tái thiết Ukraine tiếp tục là đề tài tranh cãi. Tại châu Âu, Hungary dọa phủ quyết gói hỗ trợ trị giá 50 tỷ euro (54 tỷ USD), trong khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho đến nay không thể đảm bảo gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD cho Ukraine sẽ được Quốc hội thông qua.
Các nhà phân tích cho rằng nếu các nhà lãnh đạo EU “bật đèn xanh” cho các cuộc đàm phán thành viên và gói hỗ trợ tài chính trong bốn năm tới, Ukraine có thể giành được chiến thắng địa chính trị. Việc không đạt được thỏa thuận có thể sẽ khiến Nga coi là dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine đang bị lung lay.
Hiện lãnh đạo gần như tất cả các quốc gia thành viên EU, ngoại trừ Hungary, đều ủng hộ việc mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên cho Ukraine và hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, một quyết định cuối cùng vẫn đòi hỏi phải có sự nhất trí của cả khối. Cho đến nay, nhà lãnh đạo Hungary Viktor Orban vẫn cho rằng Ukraine chưa sẵn sàng cho tiến trình này. Ông tiếp tục dọa phủ quyết cả hai quyết định - viện trợ và gia nhập “ngôi nhà chung” bất chấp việc đầu tuần này, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cảnh báo về “những hậu quả tàn khốc” đối với người dân Ukraine nếu các nhà lãnh đạo EU không nhất trí việc bắt đầu các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với nước này cũng như vấn đề viện trợ tài chính.
Trước đó, Thủ tướng Olaf Scholz của Đức, quốc gia có nguồn tài trợ lớn thứ hai dành cho Ukraine, sau Mỹ, tuyên bố sẽ tán thành việc hỗ trợ tài chính bền vững và đáng tin cậy cho Ukraine trong những năm tới tại hội nghị EU diễn ra trong hai ngày 14-15/12. Nhà lãnh đạo này cho rằng đây là vấn đề an ninh của EU và là ưu tiên với nước Đức. Bên cạnh đó, ông Scholz cũng cho rằng EU cần một quy trình đưa ra quyết định dựa trên đa số đáng tin cậy, đặc biệt với quy trình mở rộng khối. Thủ tướng Đức nêu rõ các quyết định cuối cùng vẫn cần được thông qua ở nghị viện các nước nhưng không thể để tiếp diễn tình trạng một thành viên đơn lẻ có thể chặn từng hành động của cả khối.
Liên quan đến việc tìm kiếm sự thống nhất về tình trạng thiếu hụt ngân sách, các nhà lãnh đạo EU đang thảo luận để thu hẹp khoảng cách liên quan đến ngân sách dài hạn chung của khối. Hiện Ủy ban châu Âu đề xuất tăng thêm 66 tỷ euro ngân sách vào năm 2027.
Kể từ khi thông qua ngân sách dài hạn cho giai đoạn 2021-2027 vào năm 2020, tình trạng thiếu hụt đã xảy ra khiến các quốc gia thành viên phải đối mặt với “những thách thức chưa từng có và bất ngờ”. Những tác động từ xung đột Nga - Ukraine đã đẩy lạm phát châu Âu tăng lên mức kỷ lục, khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) liên tục tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát.
Việc tăng ngân sách được xem là cần thiết để hỗ trợ các quốc gia thành viên giải quyết các thách thức cấp bách liên quan đến vấn đề di cư ở cả mỗi nước nói riêng và toàn châu Âu nói chung.
Một phần tài chính được bổ sung nhằm giúp EU trở nên cạnh tranh hơn trong lĩnh vực công nghệ quan trọng như kỹ thuật số và công nghệ sinh học.