Theo hãng tin Sputnik, trong khuôn khổ gói trừng phạt tiếp theo nhằm vào Nga, Liên minh châu Âu (EU) đã loại các ngân hàng Sberbank, Rosselkhozbank và Ngân hàng Tín dụng Moskva khỏi Hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT kể từ ngày 14/6. Tuy nhiên, các ngân hàng này khẳng định việc bị ngắt kết nối với hệ thống SWIFT sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động ngân hàng và họ đã sẵn sàng đối phó với tình huống như vậy.
Sberbank cho biết ngân hàng này đang hoạt động bình thường và việc ngắt kết nối với SWIFT không làm thay đổi tình hình hiện tại với các khoản thanh toán quốc tế. Trong khi đó, Rosselkhozbank cũng nhấn mạnh rằng hệ thống ngân hàng của Nga đã có mọi điều kiện cần thiết để đảm bảo hoạt động giao dịch không bị gián đoạn.
Nga có hệ thống tài chính riêng do Ngân hàng Trung ương nước này tạo ra để đối phó với rủi ro khi các ngân hàng Nga bị ngắt kết nối với SWIFT - hệ thống giao dịch quốc tế có sự tham gia của hơn 11.000 thể chế tài chính ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Ngày 3/6 vừa qua, EU đã chính thức thông qua gói trừng phạt thứ 6 áp đặt với Nga, trong đó có giảm dần lượng dầu nhập khẩu từ Nga và loại thêm một số ngân hàng nước này ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Gói trừng phạt mới nhất này bao gồm lệnh cấm "mua, nhập khẩu hoặc chuyển dầu thô và một số sản phẩm dầu mỏ từ Nga vào EU", với thời hạn áp dụng "từ 6 tháng đối với dầu thô cho tới 8 tháng đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế khác".
Bên cạnh đó, EU cũng thông báo đình chỉ hoạt động phát sóng của 3 kênh truyền hình của Nga tại EU gồm Rossiya RTR/ RTR Planeta, Rossiya 24/Russia 24 và TV Center International, đồng thời lưu ý rằng các biện pháp này "không ngăn cấm những kênh truyền thông này thực hiện các hoạt động ngoài phát sóng tại EU, như nghiên cứu hay phỏng vấn".
Trước đó, đầu tháng 3, EU đã loại các ngân hàng VTB, Rossiya và Otkritie, Novikombank, Promsvyazbank, Sovcombank và tập đoàn nhà nước VEB khỏi SWIFT.