Dự án kết nối cảng Lobito trên bờ Đại Tây Dương của Angola với Zambia qua Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). Với khoản đầu tư mới này, cam kết của Mỹ cho dự án đã tăng lên 4 tỷ USD, nâng tổng mức đầu tư của tất cả các bên tham gia lên 6 tỷ USD.
Hành lang Lobito: Trụ cột chiến lược trong cuộc đua khoáng sản
Dự án Hành lang Lobito phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn của Mỹ đối với chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng, yếu tố then chốt trong sản xuất các công nghệ như xe điện, pin mặt trời và hệ thống quốc phòng.
Đồng thời, chuyến thăm Angola của Tổng thống Biden cũng đánh dấu sự thay đổi lớn trong cách Mỹ tiếp cận các quốc gia châu Phi, cũng như cách đối phó với cuộc cạnh tranh địa chính trị về tài nguyên khoáng sản trên lục địa này.
Mỹ coi Hành lang Lobito là hình mẫu cho một chiến lược hợp tác bình đẳng, khác biệt với các mô hình khai thác tài nguyên bị chỉ trích là bóc lột.
Hành lang Lobito là nỗ lực lớn nhất của Mỹ nhằm đối trọng với sự hiện diện mạnh mẽ của Trung Quốc tại châu Phi.
Từ những năm 2000, Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực khai thác khoáng sản, đặc biệt tại khu vực Vành đai Đồng ở Trung Phi. Hiện nay, Trung Quốc sở hữu hoặc có cổ phần trong 15 trên 19 mỏ cobalt tại Cộng hòa Dân chủ Congo và đầu tư đáng kể vào khai thác lithium tại Zimbabwe, giúp nước này chiếm ưu thế trong lĩnh vực sản xuất pin và công nghệ năng lượng tái tạo.
Ngược lại, Mỹ trong nhiều thập kỷ đã không mấy quan tâm đến khai thác khoáng sản ở châu Phi. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden đang thay đổi điều đó.
Năm 2022, Mỹ và các đối tác quốc tế khởi động Quan hệ Đối tác an ninh khoáng sản (MSP) nhằm phát triển chuỗi cung ứng khoáng sản bền vững, minh bạch, và an toàn, đồng thời nhấn mạnh các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị.
Tháng 5/2023, Nhóm G7 tiếp nhận dự án Hành lang Lobito; đến tháng 9, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố đồng lãnh đạo dự án này.
Dự án bao gồm xây dựng 560 km đường sắt mới tại Zambia để kết nối khu vực Tây Bắc với miền Nam Cộng hòa Dân chủ Congo, sau đó liên kết với tuyến đường sắt tại Angola, cho phép Zambia tiếp cận Đại Tây Dương. Ngoài ra, dự án còn xây dựng hàng trăm km đường nhánh và cải tạo tuyến đường sắt Benguela có tuổi đời 120 năm.
Lợi ích kinh tế và chiến lược của hành lang Lobito
Khi hoàn thành, Hành lang Lobito sẽ giúp các nền kinh tế giàu khoáng sản như Angola, Zambia và Cộng hòa Dân chủ Congo tiếp cận thị trường toàn cầu tốt hơn. Hành lang này sẽ mở rộng khả năng xuất khẩu, thúc đẩy thương mại khu vực và rút ngắn thời gian vận chuyển khoáng sản cũng như hàng hóa.
Đối với Mỹ, dự án mở ra các cơ hội đầu tư, giúp đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tạo dựng quan hệ đối tác kinh tế. Đồng thời, dự án cung cấp cho các quốc gia châu Phi một lựa chọn minh bạch hơn so với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Hành lang này cũng sẽ thúc đẩy dòng chảy thương mại khoáng sản sang phía Tây, qua Đại Tây Dương, thay vì tập trung vào hướng Đông qua cảng Dar es Salaam của Tanzania như trước đây.
Ai đang tham gia vào dự án đầy tham vọng này?
Dự án Hành lang Lobito được phát triển từ Hiệp định về cơ quan tạo thuận lợi cho vận tải Hành lang Lobito, ký kết giữa Angola, Zambia và Cộng hòa Dân chủ Congo vào tháng 1/2023.
Dự án ban đầu mang tính chất khu vực, nhưng đã được mở rộng với sự hợp tác quốc tế từ Mỹ, Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) và Tập đoàn Tài chính châu Phi (AFC).
Tháng 10/2023, Mỹ ký biên bản ghi nhớ với Angola, Zambia, Cộng hòa Dân chủ Congo và Ủy ban châu Âu để khởi động dự án. AFC được chọn làm nhà phát triển chính, trong khi AfDB đóng góp 500 triệu USD và cam kết huy động thêm 1,6 tỷ USD.
Tháng 2/2024, hơn 250 nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp đã tham dự Diễn đàn Đầu tư Hành lang Lobito tại thủ đô Lusaka của Zambia. Tại đây, Tập đoàn Tài chính phát triển Quốc tế Mỹ (DFC) công bố khoản vay 250 triệu USD để hỗ trợ AFC.
Tháng 11/2024, tại Hội nghị COP29, DFC phê duyệt khoản vay 553 triệu USD để nâng cấp đường sắt tại Angola, cùng 3,4 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật cho việc phát triển các cơ sở khai thác và tinh chế đất hiếm tại Hành lang Lobito.
Trong vòng 18 tháng kể từ cam kết ban đầu, các đối tác dự án đã phân bổ hơn 3 tỷ USD cho các lĩnh vực như năng lượng sạch, giao thông, nông nghiệp và hạ tầng số. Mô hình hợp tác công-tư này không chỉ tạo việc làm mà còn thúc đẩy thương mại khu vực và toàn cầu, đồng thời giảm thiểu rủi ro tài chính cho các quốc gia châu Phi.
So với các khoản đầu tư hạ tầng của Trung Quốc, thường bị chỉ trích vì tạo gánh nặng nợ nần, Hành lang Lobito được thiết kế để đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong hợp tác.
Nếu triển khai hiệu quả, dự án có thể trở thành hình mẫu phát triển bền vững, thúc đẩy hợp tác toàn cầu, đồng thời tái định hình cách các quốc gia như Mỹ tương tác với châu Phi.