Hàn Quốc vẫn diễn tập bắn đạn thật

Bất chấp lời cảnh báo cứng rắn từ CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc ngày 20/12 vẫn tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài 90 phút tại vùng biển gần đảo Yeonpyeong - nơi xảy ra vụ đấu pháo giữa hai bên ngày 23/11 vừa qua.


Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bất lực trong cuộc họp vừa diễn ra nhằm tìm một giải pháp cho vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.

Binh sỹ Hàn Quốc đang hướng dẫn người dân trên đảo Yeonpyeong sơ tán xuống hầm trú ẩn trước khi cuộc tập trận ngày 20/12 diễn ra.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, cuộc tập trận bắt đầu lúc 14 giờ 30 và kết thúc lúc khoảng 16 giờ. Trong cuộc diễn tập, Hàn Quốc có sử dụng súng tự động K-9, súng bắn đạn trái phá 105mm và súng thần công Vulcan. Tổng cộng có 1.500 loạt đạn được bắn.


Ngoài ra, nước này còn triển khai cả tàu khu trục lớp Aegis chống tên lửa và đặt các máy bay chiến đấu trong tình trạng trực chiến đề phòng phản ứng của Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak cũng ra lệnh cho toàn bộ quan chức chính phủ ở trong tình trạng sẵn sàng. Hàng trăm cư dân đảo Yeonpyeong và các đảo gần khu vực tranh chấp được yêu cầu xuống hầm trú ẩn phòng trường hợp bất trắc.


Tuy nhiên, trong suốt quá trình diễn tập, Triều Tiên không có phản ứng quân sự nào. Sau cuộc tập trận của Hàn Quốc, Triều Tiên có tuyên bố cho biết sẽ không đáp trả lại cuộc diễn tập bắn đạt thật của Hàn Quốc. Thông tin trên khiến dư luận quốc tế bớt lo ngại về nguy cơ bùng nổ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Cùng ngày, tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên đã kêu gọi toàn quốc phản đối chiến tranh và bảo vệ hòa bình nhằm đập tan âm mưu châm ngòi chiến tranh, bảo vệ vận mệnh dân tộc. Trong bài xã luận của mình, tờ báo này cảnh báo, đối đầu và căng thẳng quân sự giữa hai miền Triều Tiên ngày càng nghiêm trọng hơn bao giờ hết.


Bài viết còn buộc tội Hàn Quốc vì đã tổ chức diễn tập quy mô lớn và cố tình gây ra vụ bắn pháo trên đảo Yeonpyeong. Những động thái trên khiến quan hệ hai miền Triều Tiên lâm vào tình trạng nghiêm trọng nhất và trong bối cảnh đó, sẽ không thể có đối thoại, hợp tác hay phát triển quan hệ giữa hai miền.

Trong khi đó, kênh truyền hình CNN của Mỹ ngày 20/12 đưa tin Triều Tiên đã đồng ý với Thống đốc bang New Mexico (Mỹ), ông Bill Richardson, về việc cho phép các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trở lại cơ sở hạt nhân Yongbyon của nước này.


Phóng viên CNN đi cùng ông Richardson đang ở Bình Nhưỡng cho biết Triều Tiên cũng đồng ý chuyển ra khỏi nước này các thanh nhiên liệu hạt nhân sử dụng làm giàu urani, thành lập một ủy ban quân sự và thiết lập một đường dây nóng giữa hai miền Triều Tiên với Mỹ.

Trước đó, ngày 19/12, cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an đã thất bại trong việc thống nhất về giải pháp cho cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Đại sứ Mỹ Susan Rice cho biết, Mỹ và các thành viên khác yêu cầu Hội đồng Bảo an lên án Triều Tiên.

Trong khi Nga và Trung Quốc muốn tuyên bố kêu gọi cả Xơun lẫn Bình Nhưỡng kiềm chế và hối thúc Tổng Thư ký Ban Ki-moon cử đặc phái viên tới hai nước này để thương lượng về các biện pháp khẩn cấp hướng tới giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.


Dự thảo tuyên bố của Nga nhấn mạnh tới nỗ lực đảm bảo ngừng leo thang căng thẳng giữa Hàn Quốc với Triều Tiên, nối lại đối thoại và giải quyết tất cả các vấn đề bằng giải pháp hòa bình.

Sau cuộc họp, bà Susan Rice tuyên bố những bất đồng trong cuộc họp về căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên nghiêm trọng đến mức "dường như khó có thể thu hẹp được".

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc, Vitaly Churkin, phát biểu với phóng viên: "Chúng tôi không thành công trong việc làm cầu nối". Tuy nhiên, các bên cam kết tiếp tục theo đuổi các cuộc tiếp xúc và Nga bảo lưu ý kiến cho rằng Tổng Thư ký nên cử một đặc phái viên tới Bình Nhưỡng và Xơun để giảm căng thẳng giữa hai bên.

Anh Tuấn (P/v TTXVN tại New York) - Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN