Hàn Quốc nhức nhối tình trạng nhắn tin công việc sau giờ làm

Áp lực từ yêu cầu của lãnh đạo vào thời điểm sau giờ làm việc đã trở thành vấn đề xã hội ngày càng nhức nhối ở Hàn Quốc, đất nước nổi tiếng với nền văn hóa lao động hết mình.

Lim Ji-yeon, một nhân viên PR và là bà mẹ có 2 con sống tại phía Tây Seoul, liên tục bị “ám ảnh” bởi tin nhắn điện thoại từ các khách hàng ngoài giờ hành chính, điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống riêng của cô.

Lim Ji-yeon bức xúc: “Chúng ta có nên xếp việc nhắn tin sau giờ làm việc là trái phép để mọi người cư xử đúng mực hơn không? KakaoTalk đã tàn phá khái niệm giới hạn thời gian và khiến tôi phát điên”. Được biết KakaoTalk là ứng dụng nhắn tin miễn phí trên điện thoại thông minh.

Tin nhắn liên quan tới công việc sau giờ hành chính đã trở thành nỗi "ám ảnh" với nhiều người lao động Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap

Theo hãng thông tấn Yonhap, Lim là một trong những người ủng hộ động thái gần đây của chính phủ Hàn Quốc đảm bảo quyền tự do của người lao động khi hạn chế tin nhắn liên quan đến công việc ngoài giờ hành chính.

Trong tháng 9, Bộ Lao động Hàn Quốc đã yêu cầu Tập đoàn Kakao bổ sung tính năng cho phép người dùng chặn tin nhắn ngoài giờ làm việc cho đến sáng ngày hôm sau. Kakao cho biết KakaoTalk vốn đã được thiết kế để người dùng cài đặt chế độ ngoài giờ. Đồng thời tập đoàn Kakao cho rằng phương pháp giải quyết vấn đề này không thể chỉ dừng lại ở tính năng mới hay hệ thống nền đặc biệt.

Hàn Quốc từ lâu đã nổi tiếng với số giờ làm việc dài. Dựa trên dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) trong năm 2016, mỗi người Hàn Quốc có giờ làm việc trung bình năm vào khoảng 2.069 tiếng. Hàn Quốc đứng thứ 3 trong các nước OECD, sau Mexico và Costa Rica. Mức trung bình của các nước OECD rơi vào khoảng 1.764 giờ.

Công nghệ số và mạng xã hội được cho góp phần khiến người Hàn Quốc có thêm lý do để làm việc nhiều hơn. Viện Lao động Hàn Quốc (KLI) trong năm 2016 ước tính rằng cứ 10 nhân viên văn phòng thì có tới 7 người phải làm việc qua điện thoại thông minh ngoài giờ làm việc. Những người này trung bình dành thêm 1 tiếng rưỡi làm những công việc không quá khẩn cấp qua các thiết bị công nghệ.

Nhà nghiên cứu Kim Ki-sun tại KLI nói: “Làm việc ngoài giờ hành chính là thói quen tập quán tại Hàn Quốc. Làm việc tại văn phòng lâu nhất có thể được coi là đức hạnh và là cách để chứng minh lòng trung thành. Khái niệm này đã ăn sâu vào nền văn hóa lao động tại Hàn Quốc”.

Để ngăn chặn truyền thống gây kiệt sức này, cả các thực thể công và tư đã cố gắng cắt việc làm thêm giờ. Chính khách Shin Kyung-min thuộc Đảng Dân chủ Hàn Quốc vào năm 2016 đã đề xuất dự luật nhằm cấm liên lạc có tính chất công việc như điện thoại và tin nhắn ngoài giờ hành chính.

Người ủng hộ ca ngợi ông Kyung-min khi đưa vấn đề này vào lập pháp trong khi phía phản đối thì cho rằng điều này không thực tế.

Anh Kim Hyun-joon (32 tuổi) làm việc trong lĩnh vực công nghệ đánh giá: "Họ có thể cấm cả KakaoTalk, LINE và mọi thứ khác, chúng tôi sẽ chuyển hết sang Snapchat. Chúc may mắn với việc cấm đó". LINE là ứng dụng nhắn tin của công ty Naver (Hàn Quốc) trong khi Snapchat của Mỹ có tính năng tự xóa tin nhắn sau một thời gian nhất định.

Sự phát triển của công nghệ kéo theo hình thức lao động mới qua điện thoại thông minh.

Nhiều người cho rằng lệnh cấm hạn chế yêu cầu làm việc qua điện thoại ngoài giờ hành chính không có tác dụng khi tình hình khá khác biệt ở các ngành nghề. Theo họ, bất cứ động thái gay gắt nào cấm liên lạc liên quan tới công việc qua điện thoại sẽ chỉ giảm năng suất tại một số ngành nghề nhất định.

Với một lựa chọn thay thế được cho mang tính thực tế hơn, nghị sĩ Lee Yong-ho thuộc đảng Nhân Dân trong tháng 8 đã đề xuất sửa đổi Đạo luật Lao động Tiêu chuẩn, theo đó yêu cầu nhà tuyển dụng có nghĩa vụ trả thêm thù lao cho các công việc tăng ca trên điện thoại.

Chính quyền thành phố Seoul cũng tuyên bố về một quy định đề nghị các nhân viên không ra lệnh cho cấp dưới qua ứng dụng nhắn tin trên điện thoại ngoài giờ làm việc. Một số công ty tư nhân đã hưởng ứng theo động thái này như tập đoàn CJ, công ty LG Uplus.

Các chuyên gia đánh giá rằng động thái này phản ánh nhu cầu về thay đổi văn hóa làm việc để cải thiện cho cán cân giữa đời sống và công việc. Họ đồng thời đề nghị chính phủ và quốc hội ban hành luật buộc có thỏa thuận về liên lạc qua điện thoại sau giờ làm việc trong quản lý lao động. Giáo sư Park Ji-soon tại Đại học Luật Hàn Quốc nói: “Luật buộc các công ty và liên đoàn tạo ra quy tắc tự nguyện, dựa trên môi trường làm việc, cũng đáng cân nhắc”.

Nhưng một số ý kiến lại phản đối đề xuất ban hành luật cấm nhắn tin sau giờ làm việc với viện dẫn lý do về tính hiệu quả thấp và sự cần thiết của thiết bị thông minh trong xã hội ngày nay.

Hà Linh/Báo Tin Tức
Xu hướng nghỉ ngơi khác lạ mới tại Hàn Quốc
Xu hướng nghỉ ngơi khác lạ mới tại Hàn Quốc

Cô Cho Eun-kyung (34 tuổi) tại Seoul đã quyết tâm tự nhốt mình trong một nhà nghỉ mô phỏng trại giam trước khi mùa hè này kết thúc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN