Hai mặt cuộc sống trong đại dịch COVID-19

Cả thế giới đang rung chuyển khi virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tính đến chiều 20/3 đã lan tới 182 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 252.700 ca nhiễm và hơn 10.405 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Rome, Italy ngày 16/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Khi đại dịch hoành hành toàn cầu, thế giới đang chứng kiến những hình ảnh thể hiện tinh thần đồng lòng, sẻ chia cùng chống "kẻ thù chung", song đây đó, thái độ vô cảm, thờ ơ, thiếu trách nhiệm, cũng xuất hiện, cản trở chính những nỗ lực ngăn chặn virus gây chết người này.

Ở khắp nơi trên thế giới, từ những người nổi tiếng cho tới người dân bình thường, bằng cách này hay cách khác đã và đang góp công, góp sức chung tay cùng các chính phủ ngăn chặn dịch bệnh. Nói như nhà thiết kế thời trang danh tiếng Donatella Versace: “Trong thời điểm cấp bách như hiện nay, điều quan trọng cần phải làm là sát cánh bên nhau và tương trợ nhau để giúp đỡ người mắc bệnh, chiến đấu từng ngày để cứu lấy mạng sống của họ”. Chính tinh thần tương thân, tương ái ấy đã khơi gợi sự nhân văn, lòng quả cảm trong mỗi con người, giúp họ hy sinh những lợi ích cá nhân, khó khăn và cả nguy cơ lây nhiễm rình rập.

Đây cũng là lý do dù dịch COVID-19 có thể “thổi bay” 45 tỷ USD doanh thu trong năm nay, song nhiều thương hiệu thời trang xa xỉ vẫn quyên góp tiền, thậm chí là chuyển hướng sản xuất sang các mặt hàng thiết yếu, vốn đang trở nên khan hiếm tại nhiều nước. Mới đây, “ông vua” hàng hiệu LVMH – tập đoàn mẹ của Louis Vuitton đã quyết định tận dụng dây chuyền sản xuất nước hoa sẵn có cho 3 thương hiệu Christian Dior, Givenchy và Guerlain, để sản xuất 12 tấn nước rửa tay khô, phân phối miễn phí cho các bệnh viện công ở Pháp. Trong khi đó, các tỷ phú, chính trị gia và những người nổi tiếng trên thế giới như tỷ phú Jack Ma, Bill Gates... cùng một loạt ngôi sao trong ngành âm nhạc và điện ảnh cũng nhanh chóng tận dụng tầm ảnh hưởng của mình, quyên góp kinh phí hỗ trợ việc phát triển vaccine phòng virus SARS-CoV-2, mua sắm trang thiết bị y tế, hỗ trợ việc khám, chữa bệnh.

Không giàu có về vật chất, nhưng những người dân chất phác ở Trung Quốc đã hướng về cộng đồng theo cách riêng của mình. Trong những ngày tâm dịch Hồ Bắc căng mình chống đỡ dịch, hình ảnh những người nông dân ở ngôi làng Thạch Bản Trại, huyện tự trị Dao Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Tây Nam Trung Quốc chở 22 tấn chuối trên xe máy về nơi tập kết để chuyển đi ủng hộ đồng bào ở các khu phong tỏa, như đã tiếp thêm sức mạnh về tình đoàn kết cho chính quyền và nhân dân Trung Quốc nói chung và tỉnh Hồ Bắc nói riêng. Những chiếc xe tải chở chuối đến với người dân Hồ Bắc không chỉ là vật chất mà còn gửi gắm tình cảm, sự thương yêu, đùm bọc của dân làng Thạch Bản Trại qua những dòng khẩu hiệu gắn trên những chiếc xe tải như: “Vũ Hán cố lên” hay “Một nơi gặp nạn, tám nơi giúp đỡ”.

Còn tại thủ phủ Vũ Hán, khi mọi hệ thống giao thông công cộng ở thành phố này phải ngừng hoạt động, những người tài xế ở thành phố này đã tự thành lập nhóm mang tên Vũ Hán 123, tình nguyện lái ô tô đưa đón miễn phí các y, bác sĩ từ nhà tới bệnh viện. Bất chấp thời tiết giá rét, phải thức khuya, dậy sớm, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm virus cao, những “con ong chăm chỉ” này hằng ngày vẫn đều đặn đưa đón những người “chiến sĩ ở tuyến đầu” đi, về bệnh viện và các cơ sở y tế.

Đi kèm với sự lây lan chóng mặt, dịch COVID-19 đã và đang làm đảo lộn cuộc sống ở tất cả mọi nơi trên thế giới, người già và trẻ em là nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Các chuyên gia dịch tễ học cho rằng COVID-19 thực sự nguy hiểm đối với người cao tuổi bởi đối tượng này có hệ miễn dịch bị suy yếu, giúp các tác nhân gây bệnh dễ dàng xâm nhập. Tỷ lệ những người trên 60 tuổi mắc COVID-19 ở Italy lên tới hơn 57%, khiến chỉ trong chưa đầy 1 tháng qua kể từ khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên (ngày 21/2), quốc gia Nam Âu này đã ghi nhận tới hơn 3.400 người tử vong - mức cao nhất thế giới. Để bảo vệ những người cao tuổi khỏi đại dịch, nhiều thanh niên Italy đã dán những tờ giấy tại khu phố mình ở, với những dòng chữ: “Cháu sẵn sàng đi chợ hoặc mua thuốc cho bác. Nếu cần xin bấm chuông cửa”, kèm theo địa chỉ nhà. Những câu nhắn gửi trong mùa dịch này đã giúp người cao tuổi ở Italy cảm thấy ấm áp hơn, được bảo vệ và che chở hơn khi họ không còn phải ra nơi công cộng, giảm nguy cơ mắc bệnh. cộng. Tại Đức, thông qua hashtag #Nachbarschaftschallenge, những người dùng mạng xã hội nước này cũng đang đi chợ và làm những công việc khác cho những người già và người có hệ miễn dịch yếu. Trước thực trạng nhiều kệ hàng trong siêu thị trống rỗng do tâm lý tích trữ đồ, người dân Đức còn kêu gọi nhau san sẻ thực phẩm, quan tâm tới những người có hoàn cảnh khó khăn.

Việc đóng cửa trường học đã khiến 85 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học trên toàn khu vực Mỹ Latinh có nguy cơ bị thiếu dinh dưỡng khi các em không còn được hưởng chương trình dinh dưỡng học đường miễn phí. Nhiều tổ chức, trong đó có No Kid Hungry hay Feeding America đã lập ra các website kêu gọi cộng đồng quyên góp nhằm giúp các em nhỏ không bị đứt bữa. No Kid Hungry còn giúp các gia đình biết cách tìm kiếm những nơi có thực phẩm cứu trợ khi trường học phải đóng cửa, đồng thời cam kết các em nhỏ sẽ được ăn 3 bữa/ngày.

Chính tình người ấm áp, sự sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn, hoạn nạn đã giúp bức tranh dịch bệnh bớt phần u ám, mang lại niềm tin và sự lạc quan cho các chính phủ và người dân trong cuộc chiến đẩy lùi COVID-19.

Tuy nhiên, bên cạnh các nghĩa cử cao đẹp, đâu đó trên thế giới vẫn còn những “hành động xấu xí” gây nguy hại cho nỗ lực chung của cả cộng đồng. Tại Bỉ, bất chấp những lời kêu gọi “hãy ở nhà, dừng lại sự ích kỷ”, ngay trong đêm 13/3, trước khi lệnh đóng cửa các nhà hàng, quán bar có hiệu lực, nhiều thanh niên tại Brussels đã tụ tập cùng nhau ăn chơi. Không dừng lại ở đó, sau khi các cơ sở giải trí tại nước này buộc phải đóng cửa, nhiều người thậm chí còn rủ nhau sang nước láng giềng Hà Lan để mở tiệc.

Cũng vì sự chủ quan, phớt lờ cảnh báo mà 13 thanh niên ở Thái Lan đã đồng loạt mắc COVID-19 sau khi cùng tụ tập, hút chung điếu thuốc và uống chung chén rượu trong buổi tiệc đêm ở thủ đô Bangkok.

Thờ ơ đối với sức khỏe cộng đồng, tìm cách né tránh các biện pháp kiểm tra sức khỏe, tham dự các buổi lễ cầu nguyện lớn tại nhà thờ Tân Thiên Địa, bệnh nhân thứ 31 của Hàn Quốc đã trở thành nguồn siêu lây nhiễm, biến Hàn Quốc trở thành tâm dịch thứ hai sau Trung Quốc đại lục tại châu Á. Ước tính người phụ nữ này đã kéo theo hơn 2.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Hàn Quốc. Đó là chưa kể nhiều trường hợp "trốn" cách ly, khai báo lịch sử đi lại không trung thực đã và đang diễn ra tại nhiều nước gây khó cho các lực lượng chức năng, buộc chính quyền phải đưa ra các chế tài xử lý trong đó có hình thức phạt tiền, thậm chí là kết án tù. Trong “cơn sốt mua hàng tích trữ” tại nhiều quốc gia trên thế giới, hai người phụ nữ 23 và 60 tuổi ở Australia còn phải ra hầu tòa vì đã đánh nhau khi tranh cướp bịch giấy vệ sinh tại siêu thị.

Trong thời kỳ đại dịch, thái độ vô trách nhiệm ấy còn thể hiện ở hành vi phát tán tin giả, tin sai lệch, bịa đặt gây hoang mang, nhiễu loạn xã hội, gây hại cho người khác. Ngay từ khi dịch bùng phát ở Vũ Hán, những tin tức giả lan truyền đôi khi còn nhanh hơn virus, mang lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Mới đây nhất, khi virus lan sang châu Âu, trên mạng ngập tràn vô số thông tin thất thiệt về tình trạng dịch COVID-19 ở Italy, như các bác sĩ “bỏ mặc bệnh nhân cao tuổi và có bệnh nền, để bệnh nhân tự chết, cứu chữa dựa trên độ tuổi của bệnh nhân…”. Đến nỗi, bác sĩ Roberto Fumagalli, Trưởng khoa Gây mê và Hồi sức của Bệnh viện Niguarda (Milan) phải đăng trên mạng: “Chúng tôi đang chiến đấu, từ ngày 24/ 2, 7 ngày mỗi tuần, 24 giờ mỗi ngày để cứu bệnh nhân”! Chúng tôi thỉnh cầu các bạn không góp phần phát tán những thông tin giả này. Hãy chỉ tin vào những nguồn tin có kiểm chứng".  Đáng lên án hơn là những hành vi lợi dụng dịch bệnh ở trục lợi, lừa đảo...  Khi dịch bùng phát tại Hàn Quốc, nhiều website thương mại đã bán khẩu trang, nước rửa tay với giá đắt gấp 15 lần bình thường. Tại Nam Phi, những kẻ lừa đảo đã tới các hộ gia đình, mạo danh là nhân viên ngân hàng đi thu hồi tiền mặt và tiền xu bị cho là "nhiễm virus"....

Nhà văn, nhà thơ lỗi lạc đại diện cho nền văn học cổ điển Anh Walter Scott từng nói: “Loài người sẽ diệt vong nếu con người ngừng giúp đỡ nhau. Chúng ta không thể tồn tại mà không hỗ trợ lẫn nhau”. Trong những ngày đại dịch này, có lẽ thông điệp ấy càng thêm ý nghĩa.

Ngọc Hà
Dịch COVID-19: Thế giới ghi nhận 10.080 ca tử vong, riêng Italy tới 3.405 ca
Dịch COVID-19: Thế giới ghi nhận 10.080 ca tử vong, riêng Italy tới 3.405 ca

Thống kê chính thức ngày 20/3 cho thấy, số người tử vong do mắc bệnh COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 10.000, lên 10.080. Hầu hết các ca tử vong trên thế giới tập trung ở châu Âu, với 4.932 ca, tiếp đến là châu Á, với 3.431 ca.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN