Giới chức thủ đô Tokyo và các tỉnh lân cận ngày 30/9 vừa chấm dứt tình trạng khẩn cấp được áp dụng từ hồi tháng 4, trong bối cảnh chính phủ chuẩn bị rút ngắn thời gian cách ly bắt buộc đối với công dân và cư dân quốc tịch nước ngoài khi quay trở lại Nhật Bản. Tuy nhiên, lệnh cấm nhập cảnh đối với người xin thị thực mới vẫn được duy trì.
Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao trả lời tờ Nikkei Asia: “Lệnh cấm nhập cảnh hoàn toàn vẫn được áp dụng và có một số ngoại lệ nhất định”. Những quyết sách về việc nới lỏng các hạn chế nhập cảnh trong tương lai sẽ được chuyển giao cho tân Thủ tướng Fumio Kishida, người sẽ nhậm chức vào ngày 4/10.
Nhật Bản lần đầu tiên siết chặt biên giới vào đầu năm ngoái. Mặc dù việc cấp thị thực mới cho người lao động và sinh viên nước ngoài được nối lại vào tháng 10/2020, nhưng cánh cửa này đã nhanh chóng đóng lại. Việc cấp thị thực đã ngừng hoạt động kể từ tháng 1/2021, gây tác động nặng nề đến các trường đại học.
Ông Matthew Wilson, Hiệu trưởng Đại học Temple cơ sở Nhật Bản, cho biết nhà trường đã phải huỷ bỏ 4 nhóm du học sinh với khoảng 500 sinh viên do hạn chế đầu vào.
Ông cho biết nếu không nhận được thông báo chắc chắn vào tháng 10, họ sẽ phải hủy kỳ học mùa xuân năm 2022. Với học phí và giá thuê ký túc xá là 12.000 USD mỗi học kỳ, Đại học Temple đã mất ít nhất 6 triệu USD từ các nhóm học sinh không thể nhập cảnh Nhật Bản.
Sinh viên và doanh nghiệp luôn có lựa chọn khác, chẳng hạn như Singapore, Hàn Quốc và Hong Kong (Trung Quốc), vẫn đang cấp thị thực cư trú với những cấp độ giới hạn khác nhau.
Theo giám đốc tuyên dụng của một công ty dược phẩm châu Âu, công ty đang cân nhắc cử ba giám đốc điều hành đến Singapore, thay vì đến Nhật Bản như dự kiến ban đầu. Nhiều nhân viên của công ty này đã chọn vị trí công việc ở Trung Quốc thay vì Nhật Bản vì lo ngại sự nghiệp của họ sẽ bị đình trệ khi phải chờ cấp thị thực.
Trong khi đó, các hãng luật quốc tế và Nhật Bản đang cạnh tranh để giữ được lực lượng luật sư song ngữ ít ỏi ở lại nước sau khi một số đã về nước vì đại dịch.
Bà Laurie Lebrun, đối tác của công ty tuyển dụng pháp lý “Major, Lindsey and Africa”, đã khuyên những sinh viên mới tốt nghiệp rằng hiện nay họ không nên nộp đơn vào Nhật Bản. Thị trường việc làm ở Mỹ đang nóng lên, vì vậy tốt hơn là nên ở lại đó, cho đến khi tình hình thị thực thay đổi.
Tiếp tục cấp thị thực là một trong những đề xuất mà Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản Keidanren đã đệ trình lên Thủ tướng sắp mãn nhiệm Yoshihide Suga vào đầu tháng 9. Các đề xuất dựa trên ý kiến đóng góp từ các công ty thành viên của Keidanren, với mối quan tâm hàng đầu là cho phép nhân sự tiếp tục đi công tác, giám sát các dự án và ký hợp đồng mà không cần phải cách ly 14 ngày theo quy định bắt buộc của Nhật Bản.
Người phát ngôn của Keidanren nói với Nikkei Asia: “Quan điểm của chúng tôi hướng đến là sự cân bằng giữa chính sách ngăn chặn COVID-19, đồng thời nối lại hoạt động kinh tế”.
Singapore - đối thủ cạnh tranh để trở thành trung tâm tài chính của châu Á của Nhật Bản – vừa mở ra “hành lang du lịch không cách ly” cho những người đã tiêm vaccine COVID-19 trong tháng này, bắt đầu với người đến từ Brunei và Đức. Với tỷ lệ tiêm chủng là 80%, Singapore đang tìm cách điều trị COVID-19 như một căn bệnh đặc hữu.
Người phát ngôn của Keidanren cho biết: “Sẽ khó có thể đưa số ca mắc COVID-19 về bằng 0. Chúng tôi nhận thấy cách tiếp cận của Singapore là thực tế”.
Trong cuộc khảo sát gần đây với 300 công ty thành viên của Phòng Thương mại Mỹ và Hội đồng Kinh doanh Châu Âu tại Nhật Bản, 68% khẳng định biện pháp hạn chế nhập cảnh có tác động đáng kể đến khách hàng Nhật Bản của họ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh doanh mới cùng các cuộc họp quản trị và kiểm toán.
Ông Michael Mroczek, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Châu Âu tại Nhật Bản cho biết nếu các công ty cần tìm người thay thế tại địa phương, điều đó sẽ làm giảm tầm quan trọng của Nhật Bản với tư cách là một trung tâm khu vực.
Giới doanh nghiệp đang chờ đợi tân Thủ tướng Nhật Bản công bố chi tiết rõ ràng hơn về thời điểm và yêu cầu cần thiết.