Trong thông báo chính thức, bộ trên cho biết Saudi Arabia đã huy động một chiếc phà để chở những người sơ tán, đồng thời cũng đảm bảo đáp ứng nhu cầu thiết yếu của những người này trong chuyến đi.
Trước đó, nước này tiếp nhận nhiều đợt sơ tán bằng đường hàng không và đường biển, trong đó chuyến sơ tán đầu tiên đưa 150 người rời khỏi Sudan bằng đường biển, cập bến thành phố Jeddah ngày 22/4.
Ngày 23/4, Saudi Arabia đã tiếp nhận hàng chục công dân Hàn Quốc sơ tán bằng trực thăng quân sự và một chiếc thuyền chở gần 200 người từ 14 quốc gia. Trong hơn 10 ngày leo thang xung đột tại Sudan, Saudi Arabia đã tiếp nhận 2.148 người sơ tán, trong đó có trên 2.000 người là người nước ngoài.
Cùng ngày, Đức thông báo đã hoàn tất chiến dịch sơ tán tại Sudan, với chuyến bay cuối đưa 700 người rời đất nước Bắc Phi, trong đó gần 200 người là công dân Đức.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Suella Braverman thông báo 200 công dân nước này đã được sơ tán khỏi Sudan. Bà cho biết chiến dịch sơ tán sẽ được gia hạn nhằm đưa các công dân Anh còn mắc kẹt rời đất nước Bắc Phi. Chính phủ Anh ước tính khoảng 4.000 công dân Anh có nhu cầu sơ tán khỏi Sudan. Nhóm sơ tán đầu tiên của Anh (gồm khoảng 40 dân thường) đã di chuyển bằng đường hàng không tới đảo Cyprus ngày 25/4.
Trong một động thái tương tự, ngày 26/4, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã thực hiện đợt sơ tán đầu tiên, đưa 100 công dân nước này trở về thủ đô Istanbul.
Những người này đã di chuyển từ thủ đô Khartoum của Sudan đến thủ đô Addis Ababa của Ethiopia bằng đường bộ trước khi lên chuyến bay về nước. Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ triển khai thêm chuyến bay trong ngày để sơ tán các công dân nước mình khỏi Sudan.
Ngày 25/4, người phát ngôn Lực lượng Vũ trang Sudan, Chuẩn tướng Nabil Abdullah, đã cáo buộc lực lượng bán quân sự RSF vi phạm thỏa thuận ngừng bắn mới kéo dài 3 ngày do Mỹ và Saudi Arabia làm trung gian, chỉ chưa đầy nửa giờ sau khi thỏa thuận này có hiệu lực trong ngày 24/4. Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Sudan Volker Perthes đánh giá lệnh ngừng bắn "dường như vẫn được duy trì ở một số khu vực", nhưng không có dấu hiệu cho thấy các bên tham chiến sẵn sàng đàm phán nghiêm túc.
Theo LHQ, giao tranh giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự RSF từ ngày 15/4 đến nay đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo, khiến ít nhất 459 người thiệt mạng và trên 4.000 người bị thương, trong khi hàng triệu người Sudan mắc kẹt, không được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu. Nhiều quốc gia đã triển khai chiến dịch sơ tán công dân khỏi Sudan.