Trong "Chương trình kinh tế trung hạn mới" được công bố cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak nêu rõ tăng trưởng của nước này, vốn lên tới mức ấn tượng 7,4% hồi năm ngoái, sẽ chỉ đạt 3,8%, và 2,3% lần lượt vào năm 2018 và 2019, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 5,5% trước đó. Thống kê của chương trình này cho thấy lạm phát sẽ tăng lên 20,8% vào cuối năm nay, và giảm nhẹ xuống mức 15,9 vào năm tới.
Trong các năm 2020 và 2021, dự báo kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ khả quan hơn với mức tăng trưởng lần lượt là 3,5% và 5,0%. Trong khi đó, lạm phát cũng giảm còn 9,8% trong năm 2020 và 6% trong năm 2021. Theo ông Albayrak, "Chương trình kinh tế mới" sẽ tập trung vào 3 nguyên tắc chính, gồm: cân đối, kỷ luật và thay đổi.
Trước đó, ông Albayrak đã cam kết đưa ra "các mục tiêu vĩ mô thực tế" và "các kế hoạch hành động thích hợp" nhằm vực dậy nền kinh tế. Sau khi chương trình trên được công bố, thị trường tài chính đã hoan nghênh những đánh giá của ông đối với nền kinh tế, song giá trị giao dịch của đồng lira vẫn thấp hơn so với đồng USD với mức 6,2 lira đổi 1 USD, giảm 0,8% giá trị trong cùng ngày.
Giá trị đồng lira đã bị tác động nghiêm trọng do những căng thẳng gia tăng trong quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vụ Ankara bắt giữ mục sư người Mỹ Andrew Brunson với cáo buộc khủng bố và gián điệp.
Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã phải điều chỉnh lãi suất cơ bản với mức tăng là 6,25 điểm phần trăm hồi tuần trước nhằm kiềm chế lạm phát. Lạm phát ở nước này trong tháng 7 đã lên tới 17,9%, mức cao kỷ lục trong vòng 15 năm trở lại đây. Ngoài ra, Tổng thống Tayyip Erdogan cũng đưa ra các biện pháp "thắt lưng buộc bụng", theo đó sẽ ngừng các khoản đầu tư lớn mới nhằm kiểm soát chi tiêu công. Trong bối cảnh này, có nhiều dấu hiệu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ thoát khỏi một nền kinh tế vốn dựa vào tín dụng và các dự án cơ sở hạ tầng lớn để thúc đẩy tăng trưởng