Binh sĩ thuộc Thủy quân Lục chiến Mỹ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại căn cứ chung Pearl Harbor-Hickam. Ảnh: Thủy quân Lục chiến Mỹ
Theo trang mạng Military.com, phát biểu trước Ủy ban Quân lực Hạ viện ngày 17/2, các quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ bao gồm Thiếu tướng Không quân Jeff Taliaferro – Phó Giám đốc phụ trách chiến dịch thuộc Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân và Steven Nordhaus – Giám đốc hoạt động thuộc Vệ binh Quốc gia, cho biết tỷ lệ đồng ý tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong quân đội chỉ đạt mức 66-70%.
Tuy nhiên, Thiếu tướng Taliaferro nói thêm việc từ chối tiêm vaccine không ảnh hưởng đến khả năng triển khai vì quân đội đã thích ứng được với công việc trong môi trường xảy ra đại dịch.
Theo ông Taliaferro, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Quốc phòng đã hoàn thành phân phối 506.000 mũi tiêm, trong đó có 147.000 liều tiêm thứ hai cho các binh sĩ.
Thiếu tướng Taliaferro không nêu rõ lý do vì sao 1/3 binh sĩ Mỹ từ chối việc tiêm vaccine. Nhưng ông nhấn mạnh việc tiêm vaccine “là điều đúng đắn nên làm” và các nhà lãnh đạo quân sự cần phải tham gia hơn nữa công tác tuyên truyền lợi ích của việc tiêm chủng.
“Rõ ràng vaccine an toàn với các binh sĩ, và chúng ta cần phải giáo dục lực lượng, giúp họ hiểu ra lợi ích từ việc tiêm chủng”, Thiếu tướng Taliaferro nói.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ, nước này ghi nhận 150.910 binh sĩ dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 21 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm trong Lục quân là lớn nhất, với trên 53.000 ca.
Trước làn sóng nhiễm dịch và tác động của chúng đối với việc huấn luyện binh sĩ, Thiếu tướng Trent Kelly thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia cho biết hình thức tiêm chủng tự nguyện "không có ý nghĩa gì nếu chúng ta nói rằng vaccine là an toàn”. Ông đề xuất soạn thảo dự luật bắt buộc triển khai vaccine trong quân đội.
Các quan chức Bộ Quốc phòng cho biết những cuộc thảo luận về đề xuất trên sẽ cần được tiến hành giữa Lầu Năm Góc, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cũng như Quốc hội.