G8 kêu gọi Nga làm trung gian hòa giải cho khủng hoảng Libi

Ngày 27/5, phát biểu với báo giới sau Hội nghị thượng đỉnh tám nước công nghiệp phát triển (G8) tại Deauville (Pháp), Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố thế giới không còn coi ông Moamer Kadhafi là nhà lãnh đạo hợp pháp của Libi. Theo ông Medvedev, “sẽ là có ích cho đất nước và nhân dân Libi” nếu ông Kadhafi sống lưu vong. Tổng thống Nga đồng thời khẳng định Mátxcơva sẽ cử đại diện ngoại giao cấp cao phụ trách châu Phi của Điện Kremlin, ông Mikhail Margelov, tới thành trì Benghazi của phe đối lập Libi để tiếp xúc với lực lượng nổi dậy.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh G8 ngày 27/5. Ảnh: AFP - TTXVN


Tại hội nghị, G8 đã kêu gọi Mátxcơva đứng ra làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng tại Libi. Phát biểu với các phóng viên bên lề hội nghị, nữ phát ngôn viên của Tổng thống Nga, bà Natalia Timakova cho biết: Yêu cầu trên được đưa ra trong một loạt cuộc đàm phán song phương giữa Tổng thống Nga Dmitry Medvedev với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron. Nga cho biết đã chấp nhận đề nghị này của G8 sau khi đã nhận được đề nghị tương tự từ phía chính quyền Libi.

Trước đó, Thủ tướng Libi Bagdadi Mahmudi đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, đề nghị Mátxcơva đứng ra làm trung gian hoà giải nhằm chấm dứt chiến sự tại nước Bắc Phi này và bắt đầu đàm phán giữa các bên liên quan mà không có bất cứ điều kiện tiên quyết nào. Ông Lavrov cho biết Mátxcơva khẳng định có thể đạt được thỏa thuận về chấm dứt xung đột vũ trang tại Libi, đồng thời tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Ngoại trưởng Nga đồng thời tuyên bố Mátxcơva yêu cầu tất cả các bên liên quan phải nghiêm chỉnh tuân thủ Nghị quyết 1973 của HĐBA LHQ, trước tiên là không để chiến sự bùng nổ gây thiệt hại cho dân thường ở Libi.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 27/5 tuyên bố Mỹ và Pháp đã hoàn toàn nhất trí tiếp tục thực hiện chiến dịch do NATO cầm đầu tại Libi cho tới khi khủng hoảng tại quốc gia Bắc Phi này được giải quyết. Phát biểu với báo giới sau cuộc thảo luận với người đồng cấp Pháp Nicolas Sarkozy trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G8, Tổng thống Obama đồng thời tuyên bố nhà lãnh đạo Kadhafi phải rời khỏi Libi.

Ngoài việc tập trung thảo luận về vấn đề Libi, Hội nghị thượng đỉnh G8 cũng đã thảo luận các kế hoạch giúp đỡ “có điều kiện” về tài chính trị giá hàng tỉ USD cho các chương trình mà G8 coi là để thúc đẩy quá trình “cải cách dân chủ” ở các quốc gia Bắc Phi như Libi, Ai Cập và Tuynidi, trong đó chính phủ Anh cam kết dành gói viện trợ 175 triệu USD để hỗ trợ quá trình này.


Bên lề hội nghị G8 đã diễn ra các cuộc gặp song phương giữa lãnh đạo cấp cao các nước tham dự hội nghị với nội dung tập trung vào các phương hướng và biện pháp giải quyết những vấn đề được coi là nóng bỏng nhất mà dư luận thế giới đang quan tâm.

Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G8 công nhận vai trò chủ chốt của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trong việc thắt chặt an toàn hạt nhân toàn cầu, và thúc giục IAEA xem xét các tiêu chuẩn mới đối với việc xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân tại những khu vực nguy hiểm về địa chấn. Tuyên bố nhắc lại cam kết trong cuộc chiến chống khủng bố, lưu ý rằng cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden là bước đi quan trọng trong quá trình này. Tuyên bố cũng lưu ý rằng phục hồi kinh tế toàn cầu đang trở nên vững chắc hơn nhưng các nguy cơ suy thoái như giá hàng hóa tăng mạnh vẫn tồn tại; cam kết đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, coi đó là một ưu tiên toàn cầu; lưu ý rằng các ngân hàng phát triển đa phương có thể cung cấp hơn 20 tỷ USD cho Ai Cập và Tuynidi.

Lê Hải
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN