Ngày 30/11, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Mario Draghi tuyên bố việc thống nhất ngân sách trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ dẫn tới tác động kinh tế trong ngắn hạn, nhưng sẽ đặt khối liên minh tiền tệ này vào lộ trình hồi phục trong nửa cuối năm 2013.
Nhận định của ông Draghi đưa ra chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso công bố kế hoạch cứu vãn sự ổn định lâu dài của Eurozone bằng cách từng bước hội đủ các quyền lực như một chính phủ quốc gia của khối này, với một ngân sách duy nhất và quyền đánh thuế hoặc phát hành các trái phiếu thông thường theo kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU).
Chủ tịch ECB Mario Draghi phát biểu tại thủ đô Pari, Pháp ngày 30/11/2012. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Tình hình ảm đạm của kinh tế EU đang đòi hỏi các nhà lãnh đạo liên minh này phải có những quyết định dứt khoát. Phát biểu trên đài phát thanh châu Âu 1, Chủ tịch Draghi nhấn mạnh: “Chúng ta vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Sự hồi phục của phần lớn các thành viên Eurozone chỉ có thể thực sự bắt đầu vào nửa cuối năm 2013”.
Phát biểu khi đang tham dự một cuộc hội thảo với các quan chức tài chính hàng đầu ở Pari, ông Draghi nói rằng chính phủ các nước thuộc Eurozone phải đẩy nhanh tiến độ thành lập một liên minh ngân hàng, theo đó áp dụng cho tất cả các ngân hàng để tránh tình trạng phân tán trong khu vực này.
Đức, một trong những quốc gia đóng góp chủ lực cho ngân sách Eurozone, cho rằng việc thống nhất giám sát hệ thống ngân hàng dưới sự bảo trợ của ECB chỉ nên áp dụng cho những ngân hàng lớn nhất trong khối.
Chủ tịch Draghi cũng nhấn mạnh rằng để đạt được sự hội nhập sâu rộng hơn, các quốc gia thành viên Eurozone phải chấp nhận “từ bỏ” thêm chủ quyền trong khi thực thi các cuộc cải tổ cơ cấu nhằm giảm bớt sự cứng nhắc trong các thị trường dịch vụ và lao động, đặc biệt là ở Pháp và Italia.
Người dân Hy Lạp biểu tình chống các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ ngày 30/11/2012. Ảnh: AFP-TTXVN |
Theo Chủ tịch EC Barroso, kế hoạch cứu vãn Eurozone sẽ nỗ lực tạo ra một quỹ trong vòng 18 tháng tới để khích lệ những quốc gia trong khối đang chật vật trong cuộc đại tu nền kinh tế của họ.
Theo bản kế hoạch dài 51 trang của ông Barroso, quỹ này sẽ phát triển rộng thành một dạng ngân khố trên quy mô toàn khối, nhưng thời điểm ban đầu chỉ hỗ trợ tài chính cho những quốc gia Eurozone nào ký thỏa thuận với EU về việc tham gia các chương trình cải cách, một tiến trình tương tự như các gói cứu trợ hiện nay cho Hy Lạp, Ailen và Bồ Đào Nha.
Tuy nhiên, toàn bộ những quốc gia Eurozone nào đã vi phạm các nguyên tắc nợ và thâm hụt ngân sách của EU sẽ buộc phải ký thỏa thuận trên, chứ không chỉ riêng những đối tượng của cứu trợ tài chính quốc tế.
Chủ tịch Barroso cũng nói rằng việc tập trung hóa quyền lực cho Eurozone là cần thiết để đảm bảo sự tồn tại trong tương lai của đồng euro, và cảnh báo lãnh đạo các nước về mối nguy hiểm của sự hoảng loạn trên thị trường nếu họ không chứng tỏ các biện pháp khẩn cấp nhằm thay đổi cách thức quản lý liên minh tiền tệ này.
Trần Long