EU hy vọng sẽ ký kết được với Tunisia một biên bản ghi nhớ để thực hiện mối "quan hệ đối tác toàn cầu", trong đó có hợp phần về quản lý người di cư, với mục tiêu sau đó mở rộng loại hình hợp tác này sang các quốc gia khác trong khu vực Địa Trung Hải.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, viện trợ mà châu Âu công bố cho Tunisia bao gồm khoản vay lên tới 900 triệu euro, viện trợ ngân sách 150 triệu euro và gói 105 triệu euro để quản lý di cư cho năm 2023. Ngoài ra, trong mùa Hè này, EU có kế hoạch cung cấp thuyền, radar di động, camera giám sát và phương tiện cho Tunisia để giúp quốc gia này tăng cường kiểm soát biên giới trên biển và trên đất liền cũng như tăng cường hợp tác giữa cảnh sát và tư pháp để chống lại các mạng lưới buôn người.
Thỏa thuận cũng nhằm trao trả dễ dàng hơn cho Tunisia công dân của nước này đang có hoàn cảnh bất thường tại EU. EU cũng tài trợ cho việc hồi hương tự nguyện của những người di cư từ châu Phi cận Sahara ra đi từ Tunisia về đất nước xuất xứ của họ. Theo Ủy ban châu Âu (EC), kể từ đầu năm đến nay, 407 trường hợp hồi hương đã được tài trợ theo cách này.
Tunisia, quốc gia có một số phần của bờ biển cách đảo Lampedusa của Italy chưa đến 150 km, đã ghi nhận nhiều vụ vượt biển trái phép của người di cư, chủ yếu từ các quốc gia châu Phi cận Sahara, để đến Italy.
Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), lượng người di cư đến các bờ biển của Italy tăng mạnh với hơn 60.000 người kể từ đầu năm, tăng 133% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 50% đến từ Tunisia. Số người còn lại đến từ Libya và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trung tâm Địa Trung Hải nằm giữa Bắc Phi và Italy cũng là tuyến đường di cư nguy hiểm nhất thế giới với hơn 20.000 người thiệt mạng kể từ năm 2014 theo Tổ chức di cư quốc tế (IOM).
Vào ngày 22/6, một tuần sau khi một tàu đánh cá từ Libya bị chìm ngoài khơi Peloponnese khiến ít nhất 82 người chết và hàng trăm người mất tích, một chiếc thuyền chở người di cư rời Sfax ở Tunisia đã bị lật úp ngoài khơi Lampedusa, khiến khoảng 40 người mất tích.
Để ngăn chặn tình trạng vượt biên, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cũng kêu gọi thiết lập hợp tác với Libya "tương tự" như thỏa thuận di cư đã ký với Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2016.