Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết: "Chúng ta đã làm điều cần làm: tạo ra một ngân sách thực sự cho Eurozone. Lần đầu tiên chúng ta đã tạo ra một ngân sách thực tế, sẽ giúp các nước Eurozone hội nhập và cạnh tranh hơn". Ông khẳng định đây là một "bước đột phá lớn trong quá trình củng cố Eurozone".
Đây là một cuộc cải cách quan trọng mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thúc đẩy, được nhiều người đánh giá là "những mắt xích bị bỏ lỡ" trong đồng tiền chung gần một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng nợ công.
Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Hà Lan do lo ngại nguy cơ tài sản chung của khối được chuyển vào túi Italy, Hy Lạp hay Tây Ban Nha.
Nội dung chính trong kế hoạch của Pháp bao gồm các ưu tiên của chi tiêu công, các nguồn thu nhập, và ai sẽ là người có quyết định cuối cùng về kiểm tra các quyết định. Một nguồn tin EU cho biết yếu tố cuối cùng gây tranh cãi nhất vì đại diện của Hà Lan và một số nước khác nhấn mạnh rằng công cụ ngân sách này vẫn phải là một phần của ngân sách EU.
Vì vậy, "quy mô" của công cụ trên sẽ vẫn là con số 17 tỷ euro khiêm tốn trong vòng 7 năm và không có cơ hội nới rộng, và nằm dưới quyền quyết định của 27 quốc gia thành viên (sau khi Anh rời EU).
Ban đầu, Tổng thống Macron đề xuất một khoản tiền lên tới vài trăm tỷ euro nhằm bình ổn kinh tế cho các nước yếu, song đề xuất này đã bị bác bỏ. Ông Macron còn muốn tạo ra một ghế Bộ trưởng Eurozone, ý tưởng đã nhanh chóng bị gạt đi trước sức ép của Đức, nước muốn quyền quyết định về kinh tế vẫn phải nằm trong tay các quốc gia.
Theo một nguồn tin của Pháp, con số cụ thể sẽ được quyết định trong một cuộc họp khác, song các yếu tố khác của đề xuất đã được nhất trí.
Thỏa thuận cấp bộ trưởng trên chính thức không phải một ngân sách - vốn là một vấn đề nhạy cảm chính trị - mà là Công cụ Ngân sách cho cạnh tranh và hội nhập, tức là một quỹ hạn chế nhằm ủng hộ các cuộc cải cách. Thỏa thuận sẽ được trình lên lãnh đạo EU phê chuẩn tại hội nghị thượng đỉnh tuần tới ở Brussels.