Glyphosate là một trong những loại thuốc diệt cỏ được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, nhưng các ý kiến phản đối sử dụng sản phẩm này chỉ ra bằng chứng Glyphosate có thể gây ung thư cho con người và nguy cơ đối với đa dạng sinh học.
Năm 2015, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phân loại glyphosate là chất “có thể gây ung thư”, làm dấy lên lo ngại về việc tiếp tục sử dụng sản phẩm này. Thời hạn hết phép sử dụng Glyphosate tại EU là tháng 12/2022, nhưng EU đã gia hạn đến ngày 15/12/2023 để chờ kết quả của một nghiên cứu khoa học về loại thuốc này.
Tháng 7/2023, Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) kết luận không phát hiện bất kỳ quan ngại nghiêm trọng nào cản trở việc cấp phép lại cho glyphosate. Tuy nhiên, EFSA lưu ý cơ quan này chưa có đầy đủ dữ liệu khi đưa ra kết luận trên. EC xem kết luận của EFSA là cơ sở để quyết định tiếp tục cho phép sử dụng glyphosate đến tháng 12/2033.
Theo EC, trong cuộc bỏ phiếu của các nước thành viên EU vào tháng 10 và cuộc bỏ phiếu cuối cùng của ủy ban kháng cáo ngày 16/11 vừa qua (trong đó Pháp, Đức, Italy, Bỉ, Hà Hà Lan bỏ phiếu trắng và các nước Áo, Croatia, Luxembourg bỏ phiếu chống), tỷ lệ ủng hộ hoặc phản đối đều không đạt đa số cần thiết, khiến vấn đề này rơi vào bế tắc.
Trong thông báo mới, người phát ngôn của EC Eric Mamer cho biết do các quốc gia thành viên vẫn bất đồng nên EC quyết định gia hạn sử dụng glyphosate thêm 10 năm với một số điều kiện và hạn chế mới. Theo đó, cần đảm bảo có các vùng đệm xung quanh các cánh đồng phun glyphosate và có thiết bị ngăn thuốc phun lan sang các khu vực khác. Bên cạnh đó, EC yêu cầu các nước EU đặc biệt chú ý đến những tác động đối với môi trường khi sử dụng thuốc diệt cỏ này.