Luật chống bạo hành phụ nữ được Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất lần đầu tiên vào ngày 8/3/2022, nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ. Đáng chú ý, luật này hình sự hóa các hành vi quấy rối, theo dõi, kích động bạo lực và tình dục trên mạng xã hội.
Phát biểu trong họp báo thông báo thỏa thuận trên tại thành phố Strasbourg (Pháp), Nghị sĩ EU Frances Fitzgerald khẳng định: “Đây là thông điệp rõ ràng trên toàn liên minh rằng chúng ta đang nghiêm túc chống bạo hành phụ nữ”.
Một nghị sĩ khác, ông Evin Incir (người Thụy Điển) cho biết đạo luật này chính là điều mà phụ nữ và trẻ em gái trên toàn EU chờ đợi hơn 30 năm qua.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch EC phụ trách vấn đề minh bạch và giá trị, bà Vera Jourova nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên chúng ta hình sự hóa các hành vi bạo lực phổ biến trên mạng, như chia sẻ hình ảnh riêng tư mà không có sự đồng thuận”.
Tuy nhiên, nghị sĩ Fitzgerald bày tỏ đáng tiếc là luật này không đưa ra một định nghĩa chung về hành vi hiếp dâm, vốn là điểm gây tranh cãi nhất trong các cuộc đàm phán.
Mặc dù vậy, một tuyên bố của Nghị viện châu Âu (EP) nêu rõ các quốc gia thành viên có trách nhiệm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc quan hệ tình dục mà không có sự đồng thuận là hành vi cấu thành tội hình sự.
Thỏa thuận trên cần được EP và Hội đồng Liên minh châu Âu chính thức thông qua và các điều luật sẽ có hiệu lực 20 ngày sau khi được đăng trên Công báo của EU. EC có trách nhiệm đánh giá 5 năm/lần để xác định có cần cập nhật các điều luật hay không.