Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, phát biểu với báo giới ngày 23/3, Ủy viên châu Âu phụ trách nội vụ Ylva Johansson cho biết EU sẽ không phân bổ số lượng người đi lánh nạn nhất định cho mỗi quốc gia để tránh lặp lại thất bại của cuộc khủng hoảng di cư 2015- 2016 khi 27 quốc gia thành viên tranh cãi gay gắt về việc phân chia hạn ngạch người lánh nạn từ Syria. Bà Johansson nhấn mạnh việc chia sẻ công bằng gánh nặng người di cư đã được các bộ trưởng của 27 quốc gia EU giải quyết tại các cuộc đàm phán khẩn cấp hôm 21/3 vừa qua.
Trong vòng một tháng qua, đã có khoảng 3,5 triệu người từ Ukraine sang các nước EU để lánh nạn, trong đó phần lớn là trẻ em và phụ nữ. EU đã nhanh chóng mở cửa biên giới cho những người này, cấp cho họ quyền cư trú và quyền đi lại tự do, tiếp cận trường học, chăm sóc y tế, nhà ở và thị trường lao động. Những người đi lánh nạn chủ yếu đến Ba Lan, Romania, Slovakia và Hungary.
Trước tình hình trên, Ủy ban châu Âu (EC) đã bắt đầu soạn thảo một chỉ số để cân nhắc ảnh hưởng tương đối do xung đột tại Ukraine đối với từng quốc gia thành viên EU, trong đó có tính đến quy mô dân số. Theo chỉ số này, hiện Ba Lan đang đối mặt với thách thức lớn nhất, tiếp theo là Áo, CH Cyprus, CH Séc và Estonia.
Theo bà Dubravka Suica, Ủy viên châu Âu về dân chủ và nhân khẩu học, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, Ba Lan đã tiếp nhận khoảng một triệu trẻ em Ukraine, gần gấp 3 lần số ca sinh bình thường hằng năm ở quốc gia này. Bà nhấn mạnh sự một thay đổi nhân khẩu học đang diễn ra tại châu Âu.
Trong một diễn biến khác, ngày 24/3, Đài truyền hình NHK của Nhật Bản đưa tin chính phủ nước này đang xem xét viện trợ nhân đạo thêm 100 triệu USD cho Ukraine và các nước láng giềng, bổ sung vào khoản viện trợ 100 triệu USD mà Nhật Bản đã thông báo trước đó.
Chính phủ Nhật Bản cũng đang xem xét việc tăng gấp đôi các khoản cho vay khẩn cấp lên tới 200 triệu USD và điều động các nhân viên y tế thuộc Lực lượng Phòng vệ để hỗ trợ những người sơ tán từ Ukraine tại Ba Lan và các quốc gia láng giềng khác.