EU bất ngờ chuẩn bị áp thuế cao hơn đối với hàng nhập khẩu từ Ukraine

Theo tờ Financil Times (FT), EU đang chuẩn bị áp dụng mức thuế cao hơn nhiều đối với hàng nhập khẩu từ Ukraine trong vòng vài tuần, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của Kiev, nhất là đang vào thời điểm then chốt của cuộc xung đột với phía Nga.

Chú thích ảnh
Nông dân thu hoạch lúa mì trên cánh đồng gần Kramatorsk, Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo các nhà ngoại giao, quyết định đột ngột chấm dứt các thỏa thuận thương mại đặc biệt được đưa ra sau khi Ba Lan đang dẫn đầu những nỗ lực trong bảo vệ nông dân của khối liên minh này. Với các thỏa thuận thương mại đang được áp dụng hiện nay, hầu hết hàng hóa của Ukraine đang được EU miễn thuế nhập khẩu.

EU đã có thỏa thuận thương mại tự do với Ukraine. Tuy vậy, kể từ sau cuộc xung đột nổ ra giữa Ukraine với Nga vào năm 2022, khối này đã có bước tiến xa hơn khi đã tuyên bố tạm thời đình chỉ việc áp dụng nhiều khoản thuế còn lại với hàng hóa của Kiev. Tuy vậy theo quy định, những thỏa thuận này sẽ hết hiệu lực vào ngày 6/6 sắp tới và EU đang có kế hoạch thay thế bằng các “biện pháp chuyển tiếp” khi mà hai bên sẽ cập nhật lại thỏa thuận thương mại tổng thể.

Các nhà ngoại giao cho biết rằng những nội dung của đề xuất chuyển tiếp này đã vừa được gửi tới các quốc gia thành viên EU. Với những đề xuất mới này, EU sẽ cắt giảm mạnh hạn ngạch miễn thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp từ Ukraine – vốn là “cứu cánh” cho nông dân và ngân sách của Ukraine trong thơi gian qua.

Khi mới được thiết lập vào năm 2022, chế độ miễn thuế được áp dụng cho nhiều mặt hàng giá rẻ của Ukraine như thịt gia cầm, lúa mì và đường - phần lớn trong số đó quá cảnh qua các quốc gia thành viên trước khi tới các thị trường châu Phi và châu Á. Nhưng nông dân và chính trị gia ở Ba Lan, Pháp và một số quốc gia khác đã nhanh chóng đổ lỗi cho động thái ưu đãi trên với hàng xuất khẩu của Ukraine – vấn đề mà họ nhận định là đã khiến giá cả các mặt hàng nội địa bị sụt giảm.

Chú thích ảnh
Nông dân Ba Lan phong tỏa tuyến đường gần biên giới Ba Lan - Ukraine, tại Medyka để phản đối hàng hóa từ Ukraine. Ảnh: PAP/TTXVN.

Đặc biệt, vấn đề này đã tác động không nhỏ tới chính trường Ba Lan, với việc chính phủ liên tiếp áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đơn phương đối với ngũ cốc của Ukraine – vấn đề đã vi phạm các quy tắc của EU. Trước cuộc bầu cử tổng thống vào 18/5, Vacsava đã yêu cầu Ủy ban châu Âu hoãn các cuộc đàm phán thương mại vốn “rất không được lòng dân” với phía Kiev để giảm thiểu cơ hội của ứng cử viên đối lập theo chủ nghĩa dân tộc, Karol Nawrocki.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu xác nhận rằng các thỏa thuận được công bố sau cuộc xung đột với Nga năm 2022 sẽ không được gia hạn “vì chúng tôi hiện đang tiến hành xem xét lại” thỏa thuận thương mại tự do EU - Ukraine.

"Ủy ban cũng đang xem xét các biện pháp chuyển tiếp có thể được áp dụng trong trường hợp các cuộc đàm phán không được hoàn tất", người phát ngôn cho biết thêm khi nhắc đến mốc thời hạn ngày 6/6.

“Đây thực sự là một tín hiệu xấu đối với Ukraine. Ít nhất phải đến tháng 10 mới tìm ra được giải pháp”, ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban thương mại của Nghị viện châu Âu, cho biết.

Ủy ban này sẽ chất vấn các quan chức của Ủy ban châu Âu vào ngày 14/5 để làm rõ thêm về lý do tại sao các cuộc đàm phán thương mại đã được cam kết từ trước đó lại đang bị đình trệ, dù rằng mốc thời hạn tháng 6 đã "được biết đến từ lâu".

"Tình hình thực sự không thể chấp nhận được", ông Lange nhấn mạnh.

Chính phủ Ukraine ước tính việc quay lại điều kiện thương mại với EU như trước khi cuộc chiến năm 2022 sẽ khiến nước này đánh mất doanh thu khoảng 3,5 tỷ euro mỗi năm.

“Đây là một bước thụt lùi lớn. Những gì chúng ta thấy hiện nay là sự thiếu hiểu biết”, ông Mykhailo Bno-Airiian, Đại diện thương mại của liên đoàn người sử dụng lao động Ukraine, cho biết.

Hai nhà ngoại giao EU nói với tờ Finacial Times rằng biện pháp chuyển tiếp của Ủy ban châu Âu sẽ bao gồm việc chia hạn ngạch miễn thuế hàng năm thành 12 hạn ngạch hàng tháng để từng bước giảm lượng hàng nhập khẩu. Việc này sẽ được áp dụng trong thời gian hai bên đang tiến hành các cuộc đàm phán.

Trong thời gian tới, các mặt hàng được nhận định sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất của Ukraine là ngô, đường, mật ong và thịt gia cầm. Cụ thể, hạn ngạch ngô sẽ giảm hàng năm từ 4,7 triệu tấn xuống còn 650.000 tấn. Hạn ngạch về thịt gia cầm sẽ giảm từ 57.110 tấn xuống còn 40.000 tấn và đường từ 109.000 tấn xuống còn 40.700 tấn.

Một số nhà phân tích nhận định việc chia nhỏ hạn ngạch theo từng tháng sẽ ảnh hưởng lớn đến hàng xuất khẩu của Ukraine. Việc này sẽ gây rối loạn chuỗi cung ứng của Ukraine, với các mặt hàng nông sản theo mùa và có tính chất “hàng tươi” như thịt gia cầm, đường, mật ong…. Việc phải chia đều hạn ngạch từng tháng khiến nhà xuất khẩu khó tích lũy, khó phân phối linh hoạt. Bên cạnh đó, hàng tháng, doanh nghiệp Ukraine sẽ phải chờ xem hạn ngạch còn bao nhiêu, có bị dừng giữa chừng hay không - điều này ảnh hưởng đến quá trình dự báo mà vấn đề thương mại cần phải có.

Ngoài ra, động thái này cũng gần như không khác gì với việc “cắt giảm ngầm” sản lượng nhập khẩu từ Ukraine. Khi đó, dù không tuyên bố cắt giảm toàn phần, nhưng cơ chế chia nhỏ và kiểm soát từng tháng tạo ra hiệu ứng giống như một rào cản thương mại gián tiếp.

“Chúng tôi cần một khung thương mại có thể dự đoán được. Chúng tôi vẫn chưa biết các quy định sẽ là gì và điều đó là không thể chấp nhận được”, ông Bno-Airiian cho biết.

Bình Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Khả năng Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tham gia đàm phán về Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ
Khả năng Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tham gia đàm phán về Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/5 cho biết Ngoại trưởng nước này, ông Marco Rubio sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này để tham dự các cuộc đàm phán liên quan tới tình hình Ukraine, đồng thời bày tỏ hy vọng vào những kết quả tích cực từ các cuộc đàm phán.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN