Giới đầu tư và các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu đang chờ đợi thông tin chi tiết của chính sách thương mại mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người đã lấy chủ nghĩa bảo hộ làm trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của mình.
Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) Joachim Nagel nhấn mạnh rủi ro mà các biện pháp hạn chế thương mại mới sẽ gây ra cho sản lượng kinh tế của Eurozone, trong khi lại tỏ ra ít lo lắng hơn về triển vọng lạm phát. Quan điểm này sau đó được nhắc lại bởi bà Claudia Buch, quan chức của ECB.
Phát biểu tại một sự kiện ở Frankfurt (Đức), ông de Guindos cho biết: “Cán cân rủi ro vĩ mô đã chuyển từ lo ngại về lạm phát cao sang nỗi sợ hãi về tăng trưởng kinh tế. Triển vọng tăng trưởng đang bị bao phủ bởi sự bất định về chính sách kinh tế và bối cảnh địa chính trị, cả trong Eurozone và trên toàn cầu. Căng thẳng thương mại có thể leo thang, làm tăng nguy cơ xảy ra các diễn biến bất lợi”.
Một số nhà phân tích lo ngại nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại nghiêm trọng hơn giữa Mỹ và Trung Quốc so với giai đoạn 2018-2019, gây hậu quả cho châu Âu và kích động các biện pháp đáp trả.
Phát biểu tại Tokyo, ông Nagel cảnh báo rằng các mức thuế do ông Trump hứa hẹn sẽ làm “đảo lộn thương mại quốc tế”, nhưng ông không quá lo ngại về tác động của chúng đối với lạm phát. Ông cũng nhấn mạnh rằng nếu sự phân mảnh kinh tế địa chính trị khiến lạm phát tăng cao hơn, ECB và các ngân hàng trung ương khác sẽ kiểm soát bằng cách tăng lãi suất.
ECB đã cắt giảm lãi suất ba lần kể từ tháng 6/2024, khi lạm phát ở Eurozone tiến gần mục tiêu 2%. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng hai lần hạ dự báo tăng trưởng khi sự phục hồi kinh tế của 20 quốc gia sử dụng đồng euro vẫn còn xa vời.
Về phần mình, bà Claudia Buch cảnh báo rằng chủ nghĩa bảo hộ có thể làm suy giảm tiềm năng tăng trưởng của châu Âu. Bà nói: “Các xu hướng bảo hộ có thể phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn rất quan trọng đối với ngành công nghiệp châu Âu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tiềm năng tăng trưởng, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu tài chính của các doanh nghiệp”.