Phát biểu tại Nghị viện châu Âu (EP), Chủ tịch EC Ursula von der Leyen lưu ý chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tuyên bố sẵn lòng giao thương với châu Âu theo các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhưng bà cảnh báo mọi thỏa thuận thương mại đều đi kèm với các quy định và rằng châu Âu sẵn sàng bảo vệ "sân chơi công bằng" cho liên minh. Bà nhấn mạnh EU vẫn có những tiêu chuẩn riêng cần được tôn trọng.
Dù hoan nghênh tham vọng đưa Anh trở thành nền kinh tế hàng đầu về thương mại tự do mà ông Johnson từng đưa ra, nhưng nữ chủ tịch EC cho biết bà khá bất ngờ khi Thủ tướng Anh đề cập mô hình thương mại theo kiểu Australia, quốc gia vẫn chưa có thỏa thuận thương mại tự do với EU và hai bên vẫn đang giao thương dựa trên các nguyên tắc của WTO. Và nếu như đây là lựa chọn của Anh thì phía EU cũng sẵn lòng phối hợp. Anh hoàn toàn có thể quyết định lựa chọn một cái kết riêng, nhưng cá nhân bà von der Leyen tin rằng hai bên nên hướng tới một cái kết "tham vọng hơn".
Anh chính thức rời EU hôm 31/1 vừa qua sau 47 năm gắn bó và hoạt động trong một liên minh thống nhất. Hai bên thống nhất giai đoạn chuyển tiếp tới ngày 31/12/2020 cũng là thời hạn để đàm phán về mối quan hệ thương mại mới. Các chi tiết hiện vẫn chưa được nhất trí, nhưng về cơ bản London cho biết sẽ rời thị trường chung EU và liên minh thuế quan, vốn là hai điều kiện tiên quyết đảm bảo giao thương xuyên biên giới diễn ra "êm thấm" thời hậu Brexit.
Trước đó, trong thông báo đưa ra ngày 10/2, Chính phủ Anh đã công bố một số kế hoạch áp dụng các biện pháp giám sát nhập khẩu hàng hóa từ EU tại biên giới sau khi thời kỳ chuyển tiếp kết thúc. Thông báo cũng nêu rõ Anh sẽ làm việc bình đẳng với các đối tác khi bắt đầu đàm phán các thỏa thuận thương mại riêng với mọi quốc gia trên thế giới. Anh hy vọng sẽ đàm phán thỏa thuận thương mại mới với Mỹ, Nhật Bản, Australia và các quốc gia khác bên cạnh thỏa thuận với EU.
Cũng trong ngày 11/2, Bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid kêu gọi thiết lập một mối quan hệ "bền vững" với EU trong lĩnh vực dịch vụ tài chính khi hai bên định hình thỏa thuận thương mại song phương thời hậu Brexit. Trong bài viết đăng trên thời báo kinh tế City AM, ông Javid cho biết bộ này sẽ công bố Sách Trắng về tương lai của lĩnh vực tài chính, ngành mũi nhọn của nền kinh tế thứ 5 thế giới, trong mùa Xuân năm nay. Bài viết có đoạn nêu rõ từ năm 2021, Anh sẽ được tự do đặt ra các quy định riêng mà không phải chịu chi phối của thị trường chung châu Âu hay liên minh thế quan. Anh mong muốn xây dựng một mối quan hệ tương lai với EU mà ở đó hai bên cùng phối hợp để theo đuổi những lợi ích chung.
Bộ trưởng Javid khẳng định dù không phải tuân thủ những quy định của EU, nhưng Anh sẽ tôn trọng những tiêu chuẩn tài chính quốc tế cao nhất và sẽ tham gia định hình quy trình xây dựng quy định toàn cầu. Anh sẽ lựa chọn đi theo cách làm của EU nếu cách làm đó phù hợp với quốc gia này. Nhưng vẫn sẽ có những khác biệt, chủ yếu bởi là trung tâm tài chính thế giới, Anh cần tuân thủ và định hướng các tiêu chuẩn quốc tế. Ông cũng tái khẳng định mong muốn của London đảm bảo tính "tương ứng" để các quy định mới vẫn phù hợp cho các công ty của quốc gia này tiếp cận thị trường chung châu Âu.