Phát biểu tại họp báo sau cuộc họp Hội đồng bộ trưởng Đức-Pháp, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh:"Chúng tôi tin rằng sự hiện diện của chúng tôi tại thực địa vẫn rất quan trọng".
Trong khi đó, theo người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert, sự hiện diện của binh sĩ Đức có ý nghĩa quan trọng trong cuộc chiến chống các phần tử khủng bố Hồi giáo ở khu vực Sahel. Ông nhấn mạnh nếu các quốc gia ở khu vực Sahel mất ổn định vì chủ nghĩa khủng bố vẫn hoành hành ở đây thì điều đó sẽ gây hậu quả nhân đạo trực tiếp cho hàng triệu người và cho một khu vực rộng lớn ở châu Phi. Ông cho rằng châu Âu không thể để điều này diễn ra, đồng thời khẳng định sự đúng đắn trong việc tiếp tục ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực những năm gần đây.
Ông Seibert cũng nhấn mạnh, Chính phủ Đức cực lực lên án việc phế truất Tổng thống và Thủ tướng lâm thời ở Mali, ủng hộ những lời kêu gọi của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đối với quốc gia này. ECOWAS đã đình chỉ tư cách thành viên của Mali vào cuối tuần, hai ngày sau khi lãnh đạo cuộc đảo chính Assimi Goita tuyên bố trở thành Tổng thống lâm thời mới ở Mali. ECOWAS cũng kêu gọi bổ nhiệm ngay lập tức một tổng thống dân sự mới ở Mali.
Quân đội Đức triển khai vài trăm binh sĩ trong Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) và Phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu (EU) tại Mali (EUTM). Trong khi Pháp có trên 5.000 binh sĩ được triển khai ở Mali để hỗ trợ các lực lượng địa phương chống các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Cả Thủ tướng Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp tục duy trì hai phái bộ này ở Mali. Thủ tướng Đức cũng kêu gọi tiến hành bầu cử ở Mali mà không liên quan tới các lực lượng Hồi giáo ở quốc gia này.