Đề xuất tạo đồng tiền chung
Các thành viên của BRICS, trong đó có Brazil, Trung Quốc, Chile, Ấn Độ, và Nga, nằm trong nhóm những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế kỷ 21. Các quốc này cũng mong muốn giảm phụ thuộc vào đồng USD, vốn được sử dụng trong gần 80% thương mại toàn cầu.
Hầu hết các nhà kinh tế học đều có cùng quan điểm rằng, hệ thống tài chính với đồng USD thống lĩnh có thể đem lại cho Mỹ nhiều lợi thế kinh tế, bao gồm hạ giá cho vay, khả năng duy trì thâm hụt ngân sách lớn hơn và ổn định tỷ giá hối đoái.
USD là đồng tiền chính để định giá dầu và vàng. Do tính ổn định của USD, các nhà đầu tư thường đổ xô mua đồng tiền này trong thời kỳ bất ổn. Mỹ cũng hưởng lợi từ ảnh hưởng địa chính trị to lớn của “đô la hóa”, bao gồm khả năng áp đặt lệnh trừng phạt với các quốc gia khác và hạn chế năng lực tiếp cận thương mại cũng như vốn của họ.
Các quốc gia BRICS, gần đây đã mở rộng để bao gồm Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), đã cáo buộc Mỹ "vũ khí hóa" đồng USD.
Vào tháng 4/2023, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva trong hội nghị thưởng đỉnh của BRICS tại Johannesburg (Nam Phi) đã kêu gọi các quốc gia thành viên tạo ra một đồng tiền chung cho thương mại và đầu tư. Theo ông, đây sẽ là công cụ giảm thiểu rủi ro trước những biến động của tỷ giá đồng USD.
Kế hoạch đồng tiền chung của BRICS đã đi tới đâu?
Việc thành lập đồng tiền chung của BRICS thực chất được đưa ra không lâu sau khủng hoảng tài chính 1008/2009. Trong hội nghị thượng đỉnh BRCIS tại Nam Phi năm 2023, khối nhất trí nghiên cứu khả năng thành lập một đồng tiền chung để giảm rủi ro liên quan đến đồng bạc xanh. Tuy nhiên, các lãnh đạo BRICS nhấn mạnh sẽ mất nhiều năm để điều đó thực sự xảy ra.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong hội nghị thượng đỉnh BRICS gần đây nhất vào tháng 10, đã đề xuất một hệ thống thanh toán quốc tế dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain). Cuối cùng, các nhà lãnh đạo BRICS nhất trí tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động thương mại bằng các loại tiền nội tệ, cắt giảm phụ thuộc vào đồng USD.
Mặc dù Trung Quốc chưa bày tỏ quan điểm rõ ràng về đồng tiền chung BRICS, nhưng Bắc Kinh đã ủng hộ các sáng kiến nhằm giảm phụ thuộc vào đồng USD. Trong khi đó, Ấn Độ thận trọng hơn nhiều về ý tưởng này.
Kênh DW (Đức) nhận định khó có khả năng các thành viên BRICS cuối cùng muốn chuyển sang một loại tiền tệ được giao dịch đầy đủ như đồng USD hoặc euro. Đồng euro cũng phải trải qua hành trình 40 năm để trở nên quen thuộc. Euro được đề xuất lần đầu năm 1959, sau đó đến năm 2002, tiền giấy và tiền xu euro mới trở thành tiền tệ hợp pháp tại 12 quốc gia EU, sau đó là 20 quốc gia.
Lựa chọn khả thi nhất sẽ là tạo ra một loại tiền tệ chung chỉ sử dụng cho mục đích thương mại, được định giá dựa trên một rổ tiền tệ và/hoặc hàng hóa như vàng, dầu. Tiền tệ BRICS có thể hoạt động theo cách tương tự như Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). SDR vốn là tài sản tài chính quốc tế, được định giá theo tỷ giá hối đoái hàng ngày của USD, euro, nhân dân tệ, yên và bảng Anh. Một ý kiến đã đề xuất giải pháp thay thế cho BRICS là tiền kỹ thuật số.
Tổng thống đắc cử Mỹ Trump vào ngày 7/12 đã đăng trên mạng xã hội Truth Social nhấn mạnh, khi quay trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, ông sẽ yêu cầu cam kết từ các quốc gia BRICS rằng họ sẽ không tạo ra đồng tiền chung mới và cũng không ủng hộ bất kỳ đồng tiền nào khác để thay thế vị thế thống trị của đồng USD.
Tuy nhiên, DW cho rằng ông Trump có thể đã nóng vội bởi đề xuất về đồng tiền xung BRICS đang không có nhiều tiến triển.
Vào ngày 2/12, chính phủ Nam Phi khẳng định không có kế hoạch tạo đồng tiền chung BRCIS. Người phát ngôn của Bộ Hợp tác và Quan hệ Quốc tế Nam Phi cho biết thảo luận hiện nay giữa các quốc gia BRICS vẫn tập trung vào đẩy mạnh thưởng mại trong khối sử dụng đồng nội tệ.