Ông Stephen Biegun
Kể từ khi đảm nhận nhiệm vụ vào tháng 8, Đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun đã thực hiện hàng loạt chuyến làm việc tại Triều Tiên, Hàn Quốc và Thụy Sỹ nhằm thu hẹp khác biệt giữa các bên.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết ông Biegun là quan chức cấp cao đầu tiên của Mỹ đến Hà Nội trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2, một tuần trước khi Tổng thống Donald Trump công khai các chi tiết về sự kiện này.
Bà Lori Esposito Murray tại tổ chức phi lợi nhuận Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ) từng làm việc với ông Biegun tại Quốc hội Mỹ đã miêu tả quan chức này là người “thông minh, có chiến lược với kinh nghiệm sâu và rộng về chính sách, đàm phán”.
Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Biegun được cho có quan điểm mang chiều hướng hòa giải với Bình Nhưỡng. Trong phát biểu tại Đại học Stanford vào tháng 1, ông Biegun cho biết nhà lãnh đạo Mỹ Trump đã “sẵn sàng” đối với việc chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đóng vai trò quan trọng trong công tác tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2, từng đàm phán cùng các quan chức Triều Tiên tại Washington và Bình Nhưỡng.
Ngoại trưởng Pompeo được coi là một trong những quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump có giọng điệu cứng rắn với Triều Tiên.
Giáo sư Peter Feaver tại Đại học Duke (Mỹ) nhận xét rằng Ngoại trưởng Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton là một trong những quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump có giọng điệu cứng rắn với Triều Tiên và rất phù hợp với đội ngũ.
Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton
Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton là người có quan điểm cứng rắn trong vấn đề Triều Tiên.
Ông Bolton trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng Fox News vào ngày 29/4/2018 tiết lộ Washington cân nhắc về mô hình Libya để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Phát biểu này đã khiến Triều Tiên bất bình và đe dọa hủy Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất tổ chức tại Singapore.
Ông Raymond Kuo tại tổ chức Dự án An ninh Quốc gia Truman đánh giá sự xuất hiện của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ có thể gây khó khăn trong việc đạt được thỏa thuận bởi Triều Tiên dè chừng về chủ trương của ông John Bolton và trên thực tế nhân vật này sở hữu uy lực đáng kể trong hệ thống an ninh quốc gia Mỹ.
Ông Kim Hyok-chol
Cựu Đại sứ Triều Tiên tại Tây Ban Nha Kim Hyok-chol nhận nhiệm vụ đàm phán với Mỹ trong tư cách đại diện đặc biệt của Bình Nhưỡng từ tháng 1.
Hiện tại, ông Kim Hyok-chol công tác trong Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên.
Giáo sư Lim Jae-cheon tại Đại học Hàn Quốc ở Seoul nhận xét: “Ông Kim Hyok-chol dường như là một nhà đàm phán cứng rắn và hiểu rõ về công nghệ hạt nhân”.
Ông Choe Kang-il
Ông Choe Kang-il hiện là Phó Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã đến Hà Nội từ ngày 20/2 cùng ông Kim Hyok-chol.
Tờ Bưu diện Hoa Nam Buổi sáng cho biết ông Choe Kang-il là “cánh tay phải” của ông Kim Hyok-chol. Chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Stimson (Mỹ) - ông Michael Madden nhận xét về ông Choe Kang-il: “Quan chức này nói tiếng Anh thành thạo. Chúng tôi biết rất rõ về Choe Kang-il và quý mến ông ấy”.
Bà Kim Song-hye
Bà Kim Song-hye thuộc Ban Mặt trận Thống nhất Triều Tiên từng tham gia vào nhiều cuộc đàm phán với các quan chức Mỹ đồng thời là nhân tố nổi bật trong những cuộc tiếp xúc giữa chính quyền Triều Tiên và Hàn Quốc từ năm 2000. Bà Kim Song-hye từng là quan chức tình báo cấp cao của Triều Tiên trong hơn 2 thập niên.