Chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Hàn Quốc Asiana Airlines chở theo 307 người đã hạ cánh chệch đường băng. Máy bay bốc cháy ngùn ngụt, bị mất đuôi, gãy một cánh và nóc nổ tung, nhưng điều kỳ diệu là phần lớn hành khách đều sống sót.
Cú hạ cánh bất thường
Chuyến bay mang số hiệu 214, cất cánh từ sân bay quốc tế Incheon ở thủ đô Xơun của Hàn Quốc, gặp tai nạn khi đang tìm cách hạ cánh xuống đường băng ở San Francisco lúc 11 giờ 28 phút giờ địa phương. Nhiều hành khách phải trượt xuống đường băng qua các cửa thoát hiểm. Có 2 người thiệt mạng tại chỗ, 182 người bị thương.
Chiếc máy bay bị gãy đuôi và cháy nham nhở tại hiện trường. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hình ảnh trên các đoạn video quay được tại hiện trường cho thấy thân chiếc máy bay bị cháy đen, khói bốc cao hàng trăm mét. Các mảnh vỡ của phần đuôi, cánh và nóc bắn tung tóe. Lính cứu hỏa phải phun bọt dập lửa trắng xóa quanh xác máy bay.
Trong số hành khách có mặt trên máy bay lúc xảy ra tai nạn gồm 141 người Trung Quốc, 77 người Hàn Quốc và 61 người Mỹ. Nhiều người chứng kiến cho rằng máy bay đã tiếp đường băng ở góc độ bất thường. Một hành khách may mắn tên là Elliott Stone kể lại: Khi máy bay hạ cánh, nó đột ngột tăng tốc như thể phi công biết mình điều khiển máy bay hơi thấp và đang cố khắc phục. Rồi phần đuôi đập xuống đường băng và văng lên không trung, mọi người đều nảy lên đầu chạm nóc máy bay.
Tại sao nhiều người sống sót?
Tai nạn nghiêm trọng như vậy nhưng chỉ có 2 người thiệt mạng. Thị trưởng thành phố San Francisco, ông Edwin Lee, nhận định: Đây là trường hợp “khó tin và rất may mắn” vì có nhiều người sống sót, dù có một số người bị thương nặng. Có nhân chứng còn cảm thấy ngạc nhiên khi có hành khách ra khỏi máy bay nguyên vẹn. Ông David Eun, một giám đốc của tập đoàn Samsung đi trên chuyến bay, dùng từ “kỳ dị” để nói về vụ tai nạn.
NTSB đã ghi nhận 57 sự cố liên quan đến các mẫu khác nhau của loại máy bay Boeing 777 kể từ tháng 5/1997. Ba sự cố gần đây nhất bao gồm: Lỗi động cơ khi cất cánh (tháng 5/2013); đột ngột tăng tốc động cơ (tháng 4/2013); và hỏng một động cơ sau khi cất cánh (tháng 12/2012). Sự cố lớn nhất xảy ra ngày 17/1/2008 khi một chiếc Boeing 777-200ER của hãng British Airways gặp tai nạn gần đường băng ở sân bay Heathrow, Anh. |
Theo các chuyên gia, hai yếu tố quyết định đến tỷ lệ sống sót trong vụ tai nạn là phi hành đoàn đã được huấn luyện đầy đủ kỹ năng xử lý và hành khách biết phải làm gì trong trường hợp khẩn cấp. Việc quan trọng đối với hành khách là họ biết rõ nơi thoát hiểm, chấp nhận bỏ lại hành lý và rời máy bay nhanh chóng, có trật tự theo hướng dẫn của phi hành đoàn.
Ngoài ra, thiết kế của máy bay Boeing 777 là yếu tố quan trọng giảm thương vong trong tai nạn. Boeing thiết kế chiếc B777 sao cho mọi người có thể ra khỏi trong vòng 90 giây ngay cả khi một nửa số cửa không thể hoạt động. Các bánh máy bay có thể rời ra khỏi bụng máy bay, thân máy bay và ghế ngồi đã được gia cố để bảo vệ hành khách.
Theo kết luận của Cục điều tra Liên bang Mỹ, không có dấu hiệu của khủng bố trong vụ tai nạn. Trong khi đó, một nhóm chuyên gia Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) đã được cử đến San Francisco để điều tra nguyên nhân. NTSB sẽ phân tích dữ liệu kiểm soát không lưu, thời tiết, tình trạng bảo dưỡng máy bay và hành động của phi hành đoàn dựa vào các thiết bị ghi lại dữ liệu trên máy bay.
Nói về nguyên nhân vụ tai nạn, Deborah Hersman, chủ tịch NTSB, cho rằng mọi khả năng đều có thể và còn quá sớm để kết luận là lỗi của phi công. Ông Kevin Hiatt, Giám đốc Tổ chức An toàn chuyến bay, đoán rằng kết luận có thể phải mất hàng tháng hoặc hàng năm.
Đây là lần đầu tiên máy bay chở khách của hãng Asianna Airlines - hãng hàng không lớn thứ hai Hàn Quốc và nổi tiếng về độ an toàn cao - gặp tai nạn chết người trong suốt 20 năm qua. Năm 1993, một chiếc Boeing 737 của hãng lao vào núi ở Hàn Quốc làm 68 người thiệt mạng.
Thùy Dương (tổng hợp)