Với tiêu đề "Báo cáo thường niên về cạnh tranh châu Á 2019", báo cáo đã được công bố tại họp báo của Hội nghị thường niên BFA diễn ra từ ngày 26-29/3 tại tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc.
Theo báo cáo, châu Á có tiềm năng kinh tế đầy hứa hẹn và dự kiến sẽ trở thành khối hợp tác khu vực lớn nhất thế giới. Quá trình tăng lãi suất bằng đồng USD có thể sẽ chậm lại hoặc thậm chí là kết thúc. Điều này sẽ giúp tạo điều kiện cho lưu thông dòng vốn trong các nền kinh tế châu Á, đem lại lợi ích cho tăng trưởng kinh tế khu vực.
Châu Á ít bị tác động bởi việc giảm nợ do nhân tố then chốt của sức cạnh tranh quốc gia trong khu vực là nền kinh tế thực chất. Do trao đổi tiền tệ giữa các nền kinh tế châu Á rất phát triển, nên khu vực này ít bị ảnh hưởng bởi biến động bên ngoài khu vực.
Cũng tại hội nghị này, "Báo cáo thường niên về sự phát triển của các nền kinh tế mới nổi 2019" nêu rõ nợ công nói chung của các nền kinh tế mới nổi chính là tương đối thấp trong năm 2018 và các nguy cơ vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Các nền kinh tế chính này được biết đến dưới cái tên E11 (gồm Argentina, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ).
Cụ thể, mức nợ công của các nước trong nhóm chiếm khoảng 47,1% Tổng GDP, thấp hơn mức giới hạn 60% trong Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng của Liên minh châu Âu (EU) và thấp hơn nhiều so với mức 115,1% của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7).
Dù mức nợ tương đối thấp, song nợ công của E11 đang trên đà tăng. Về mức tăng trưởng trung bình hằng năm của nợ công, các nước trong E11, trừ Ấn Độ và Nga, đều duy trì mức tăng tích cực trong năm 2015-2018, và mức tăng này thậm chí là nhanh ở một số nước. Báo cáo cảnh báo gánh nặng nợ công càng tăng đối với một số nền kinh tế mới nổi là do lãi suất toàn cầu tăng và sự thanh khoản giảm đi do tăng trưởng GDP bị chững lại.