Theo tờ SCMP, tại châu Âu, số ca mắc mới đã tăng hơn 50% trong những tuần gần đây cho dù nguồn cung vaccine COVID-19 dư thừa. Khắp châu Âu, còn một số lượng lớn người chưa tiêm vaccine.
Tại Đức, số người chưa tiêm vaccine từ 18 đến 59 tuổi phải nhập viện vì COVID-19 cao gấp bốn lần so với người đã tiêm cùng nhóm tuổi. Các nước Đông Âu có tỷ lệ tiêm chủng thấp như Romania và Bulgaria đang có tỷ lệ lây nhiễm cực kỳ cao và có tỷ lệ tử vong thuộc nhóm cao nhất. Cả hai nước này đều có tỷ lệ tiêm chủng dưới 35%.
New Zealand cũng chứng kiến xu hướng tương tự khi hơn một nửa số bệnh nhân COVID-19 trong bệnh viện chưa tiêm vaccine.
Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã phải thể hiện quan điểm với người phản đối vaccine. Ông nói: “Chúng ta đã kiên nhẫn. Nhưng sự kiên nhẫn của chúng ta đang cạn dần và việc cự tuyệt tiêm chủng đã khiến tất cả chúng ta trả giá”.
Trong bối cảnh hệ thống y tế căng thẳng do số ca mắc mới gia tăng, một số quốc gia đã đưa ra những biện pháp mới nhằm khuyến khích hoặc bắt buộc người dân tiêm vaccine COVID-19.
Áo
Từ ngày 15/11, Chính phủ Áo đã áp đặt phong tỏa toàn quốc với người chưa tiêm vaccine COVID-19. Những người này phải ở nhà trừ khi cần làm các hoạt động cơ bản như đi làm, mua thực phẩm và đi dạo. Người dân vào rạp chiếu phim, phòng tập và cửa hàng mà không có bằng chứng tiêm chủng sẽ bị phạt.
Slovakia
Slovakia đang lên kế hoạch áp dụng các biện pháp mới với người chưa tiêm vaccine, gồm cấm họ tới các cửa hàng không thiết yếu, trung tâm mua sắm, phòng tập, bể bơi và khách sạn. Họ sẽ không được dự các cuộc tụ tập đông người và phải xét nghiệm âm tính mới được vào nơi làm việc. Ngày 18/11, chính phủ sẽ bỏ phiếu về các biện pháp này.
Đức
Các nghị sĩ Đức thuộc liên minh cầm quyền sắp thành lập đang lập kế hoạch đưa ra các dự luật cuối tuần này để áp đặt biện pháp cứng rắn hơn với người chưa tiêm chủng, ví dụ như yêu cầu xét nghiệm mới được đi làm và đi phương tiện giao thông công cộng.
Singapore
Quốc gia này đã thông báo không trả viện phí điều trị COVID-19 cho người nào đủ điều kiện mà chưa tiêm vaccine. Trước đó, Singapore chi trả toàn bộ viện phí cho người dân Singapore mắc COVID-19, trừ những người có xét nghiệm dương tính trong vòng 14 ngày từ khi nhập cảnh Singapore.
Quy định trên sẽ có hiệu lực từ ngày 8/12. Theo Bộ Y tế Singapore, chi phí điều trị bệnh hô hấp nghiêm trọng ở các bệnh viện công là từ 4.350 đến 6.500 USD.
Tại Singapore, hiện nay, người chưa tiêm vaccine chiếm đa số những người cần chăm sóc đặc biệt, gây căng thẳng cho nguồn lực y tế.
Anh
Chính phủ Anh cho biết từ tháng 4/2022, nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân phải tiêm vaccine COVID-19. Yêu cầu này có thể khiến hàng nghìn người bỏ việc.
Bộ trưởng Y tế Sajid Javid phát biểu trước Hạ viện rằng mặc dù tiêm chủng không bắt buộc với phần lớn người dân nhưng nhân viên y tế có trách nhiệm đặc biệt vì họ tiếp xúc với những người dễ bị tổn thương nhất với COVID-19.
Yêu cầu này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4/2022, có thời gian cho mọi nhân viên y tế tiêm hai liều vaccine COVID-19. Yêu cầu chỉ có ngoại lệ với người không đủ điều kiện y tế để tiêm và những nhân viên không tiếp xúc với bệnh nhân.
Malaysia
Hơn 75% dân số Malaysia đã tiêm vaccine đầy đủ. Mặc dù con số này cao hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác nhưng Chính phủ Malaysia đang lên kế hoạch gây áp lực hơn với nhóm người chưa tiêm chủng,
Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin nói: “Rất tiếc phải nói rằng chúng tôi sẽ khiến cuộc sống của các bạn rất khó khăn nếu các bạn chọn không tiêm vaccine”.
Từ đầu tháng 11, mọi công chức Malaysia buộc phải tiêm vaccine. Ai cố tình tránh tiêm vaccine sẽ gặp bất lợi, ví dụ như phải xét nghiệm thường xuyên, không được ăn uống ở ngoài.
New Zealand
Hàng triệu người lao động ở New Zealand làm việc trong ngành giáo dục, y tế và ngành chăm sóc người khuyết tật sẽ chịu quy định “Không tiêm, không việc làm”.
Theo quy định này, nhân viên y tế tuyến đầu phải tiêm đủ vaccine COVID-19 trước ngày 1/12. Còn với giáo viên, hạn chót tiêm mũi đầu là ngày 15/11 vừa rồi. Giáo viên sẽ vi phạm quy định nếu tới trường mà chưa tiêm chủng. Giáo viên chưa tiêm chủng sẽ phải dạy học từ xa hoặc phải có bằng chứng không đủ điều kiện tiêm chủng nếu làm việc tại trường học.
Các trường học còn được khuyến nghị gọi cảnh sát nếu giáo viên chưa tiêm vaccine mà vẫn tới trường. Giáo viên vi phạm quy định sẽ bị phạt.