Trên thực tế, trước khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện, bệnh lao là căn bệnh có thể chữa được và dễ dàng chẩn đoán, cho dù nó được coi là căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao nhất thế giới, với 1,4 triệu người không qua khỏi mỗi năm và hơn 10 triệu người nhiễm bệnh. Tuy "song hành" cùng cuộc sống của con người trong suốt nhiều thiên niên kỷ, song các nỗ lực hướng tới việc loại bỏ căn bệnh có thể phòng ngừa này vẫn "giậm chân tại chỗ", mà phần lớn là ở các nước đang phát triển.
Nhân Ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3), Liên minh Các đối tác phòng, chống lao toàn cầu (Stop TB Partnership) cảnh báo các biện pháp phong tỏa và hạn chế nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 đã khiến việc tỷ lệ bệnh nhân được chẩn đoán và chữa trị bệnh lao trên thế giới giảm tới 23%. Điều này đã kéo lùi thế giới tới 12 năm trong cuộc chiến chống lại "kẻ giết người thầm lặng”. Theo bà Lucica Ditiu, Giám đốc điều hành của Stop TB Partnership, trong 12 năm đó, thế giới đã đạt thành tựu ấn tượng trong cuộc chiến chống bệnh lao, trong đó có giảm số bệnh nhân không được chăm sóc. Tuy nhiên, đà tiến này đã bị một căn bệnh nhiễm trùng hô hấp nguy hiểm khác chặn lại và thậm chí đảo ngược.
Khi bắt đầu xảy ra đại dịch COVID-19, nghiên cứu theo mô hình của Đại học Johns Hopkins cho thấy việc phong tỏa kéo dài 3 tháng, sau đó là 10 tháng gián đoạn dịch vụ y tế sẽ khiến thế giới có thêm 6,3 triệu bệnh nhân lao và 1,4 triệu người tử vong vì căn bệnh truyền nhiễm này vào năm 2025. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng tình hình có thể thậm chí còn tồi tệ hơn nhiều.
Thống kê từ 9 nước có tỷ lệ mắc bệnh lao cao nhất thế giới gồm Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Pakistan, Philippines, Nam Phi, Tajikistan và Ukraine cho thấy số người được chẩn đoán và điều trị bệnh lao đã giảm tổng cộng 1 triệu người. Các nghiên cứu mới từ Ấn Độ và Nam Phi cho thấy những người mắc bệnh lao có nguy cơ tử vong cao gấp 3 lần nếu nhiễm thêm virus SARS-CoV-2. Do đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh tác động của COVID-19 thậm chí còn lớn hơn những gì do virus lao gây ra. Việc gián đoạn các dịch vụ thiết yếu đối với những người mắc lao chỉ là một trong những ví dụ về cách thức đại dịch tác động đến những người bần cùng trên thế giới - vốn có nguy cơ mắc lao cao hơn. Trong khi đó, ông Jose Luis Castro, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tổ chức y tế toàn cầu Vital Strategies, cho rằng sẽ phải mất một thời gian nữa mới có thể thấy rõ tác động của COVID-19 đối với các bệnh nhân mắc bệnh lao.
Liên quan đến vấn đề vaccine phòng bệnh, số liệu của WHO cho thấy hiện có tới hơn 75 loại vaccine tiềm năng ngừa COVID-19 đang có mặt trên thị trường hoặc đang được phát triển. Trong khi đó, theo Stop TB Partnership, mặc dù có một loại vaccine phòng lao mới đang được nghiên cứu, nhưng với mức tài trợ như hiện nay, vaccine này chỉ có thể xuất hiện trên thị trường sớm nhất là vào năm 2027. Khi đó, hàng triệu người có thể đã không qua khỏi. Đó là chưa kể, ước tính tài trợ để nghiên cứu phát triển một loại vaccine phòng lao mới hiện chỉ ở mức 100 triệu USD, chỉ bằng 1/10 tài trợ cho nghiên cứu phát triển vaccine phòng HIV.
Bệnh lao do một loại vi khuẩn có tên Mycobacterium tuberculosis gây ra. Đây là một căn bệnh truyền nhiễm, có thể lây từ người sang người thông qua không khí. Khi người bị bệnh lao ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ, họ sẽ phát tán vi khuẩn lao vào không khí, người bình thường chỉ cần vô tình hít phải một vài trong số những vi khuẩn lao này đều có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh tại phổi.
Vi khuẩn gây ra bệnh lao không chỉ tấn công mỗi phổi mà nó có thể thông qua đường máu hoặc hạch bạch huyết đến các bộ phận khác của cơ thể, điển hình như thận, cột sống và não để gây bệnh tại đó. Bệnh lao nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn tới tử vong.