Trong bài phát biểu được ghi âm phát tại kỳ họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc Khóa 75 tại New York (Mỹ), ông Johnson cho rằng thẳng thắn mà nói, ý thức của cộng đồng quốc tế sau 9 tháng chiến đấu chống dịch COVID-19 khá bị chia rẽ. Theo ông, dịch bệnh COVID-19 đã "đoàn kết loài người chưa từng thấy", nhưng "cuộc khủng hoảng này cũng là một lực lượng gây chia rẽ bất thường". Ông cho rằng không thể tiếp tục theo cách như hiện nay, trừ khi các nước cùng chung tay hành động chống lại kẻ thù chung.
Trong khi đó, Thủ tướng Johnson đã ca ngợi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là "cơ quan dẫn dắt nhân loại chống lại các đội quân dịch bệnh", đồng thời tuyên bố tăng 30% tài trợ cho tổ chức này trong 4 năm tới, lên đến 340 triệu bảng Anh (khoảng 433,33 triệu USD).
Ngoài ra, Thủ tướng Johnson cũng phác thảo kế hoạch 5 điểm nhằm ngăn chặn các đại dịch trong tương lai, bao gồm các nỗ lực nhằm hình thành "một mạng lưới toàn cầu các trung tâm nghiên cứu động vật" nhằm phát hiện một đại dịch mới trước khi nó khởi phát; phát triển năng lực bào chế vaccine và điều trị; thiết lập một hệ thống cảnh báo sớm đại dịch toàn cầu; có tất cả các quy trình sẵn sàng cho một phản ứng khẩn cấp, và cuối cùng là dỡ bỏ kiểm soát xuất khẩu đối với các công cụ thiết yếu như găng tay, trang bị bảo hộ, nhiệt kế.
Hiện các nước như Anh, Trung Quốc, Nga và Mỹ đang chay đua với thời gian trong việc phát triển vaccine ngừa COVID-19. Ông Johnson cho biết vaccine Oxford hiện đang trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng và trong trường hợp thành công, công ty dược phẩm AstraZeneca cũng đã sẵn sàng bào chế hàng triệu liều vaccine để cung cấp nhanh chóng cho mọi người. Theo ông, sức khỏe của mọi quốc gia tùy thuộc vào việc cả thế giới được tiếp cận loại vaccine an toàn và hiệu quả. Ngay khi đạt được bước đột phá, Vương quốc Anh sẽ sàng làm mọi việc để đưa loại vaccine này ra với thế giới.