Theo tờ Telegraph của Anh ngày 10/1, tuyên bố từ Tổng thống đắc cử Donald Trump rằng Mỹ sẽ mua lại Greenland, Kênh đào Panama trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông đã khiến một số nước lo lắng.
Pháp, Đức và Đan Mạch đều cảnh báo ông Trump không nên theo đuổi kế hoạch mua Greenland, nơi đã nằm trong tay Đan Mạch từ đầu thế kỷ 19, và bày tỏ lo ngại về việc ông từ chối loại trừ khả năng sử dụng sức mạnh quân sự để đạt được mục tiêu của mình.
Trong khi đó, chính quyền Panama rất tức giận trước lời đề nghị nên giao lại kênh đào của nước này, vốn do người Mỹ xây dựng nhưng đã bán cho quốc gia Trung Mỹ trên vào năm 1999.
Một số người cho rằng bình luận của Tổng thống đắc cử Trump có thể không cần phải chú ý vì rốt cuộc, ông Trump có một số quan điểm không trở thành chính sách. Nhưng đằng sau vẻ ngoài khoa trương về mặt ngoại giao, vị tổng thống đắc cử Mỹ đang đưa ra lập trường khá nghiêm túc.
Trên hết, nhóm chính sách đối ngoại của ông Trump đang quan ngại về Trung Quốc, và việc mở rộng lãnh thổ của Mỹ sẽ là một cách để kiềm chế ảnh hưởng đang gia tăng của nước này. Trong cuộc họp báo, ông Trump cho biết động cơ chính khiến ông mua lại Greenland là “an ninh quốc gia”.
Chiến lược Bắc Cực mới nhất của Lầu Năm Góc, được công bố vào cuối năm ngoái, cũng chỉ ra sự quan tâm ngày càng tăng của Trung Quốc đối với khu vực này. Khi băng tan, Bắc Cực sẽ trở thành tuyến vận chuyển chính và các tàu Trung Quốc đã được phát hiện tập trận cùng Nga ngoài khơi bờ biển Alaska.
Một nguồn tin trong nhóm cố vấn cấp cao của ông Trump nói với tờ New York Post rằng mục đích của việc mua Greenland là gửi một "thông điệp mạnh mẽ, có chủ đích tới Bắc Kinh" rằng lợi ích của Mỹ ở Bắc Cực sẽ được bảo vệ, ngay cả khi có nguy cơ khiến châu Âu tức giận.
Sự việc càng gây chú ý khi con trai ông Trump, Donald Trump Jr, đến thăm Greenland tuần này và chụp ảnh cùng người dân địa phương đội mũ MAGA (khẩu hiệu Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại trong chiến dịch tranh cử của ông Trump), khiến ông Trump phải thốt lên: "Tôi nghe nói người dân Greenland theo chủ nghĩa MAGA".
Tổng thống đắc cử Trump cũng nêu rõ hơn nhiều về vai trò của Trung Quốc tại Panama, nơi ông cho biết các tàu treo cờ Trung Quốc hiện diện ở "cả hai đầu" kênh đào và cần phải bị lực lượng Mỹ ngăn chặn.
Tuyên bố đó đã bị các chuyên gia bác bỏ khi họ cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc có sự hiện diện quân sự mạnh mẽ tại tuyến đường thủy này - một trong những tuyến đường vận chuyển quan trọng nhất thế giới.
Nhưng với tư cách là quốc gia sử dụng kênh đào lớn thứ hai sau Mỹ, Trung Quốc đã có động thái thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Panama trong nhiều năm. Vào năm 2017, Panama đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan và công nhận hòn đảo này là một phần của Trung Quốc đại lục – một dấu hiệu rõ ràng cho thấy nước này đang xích lại gần Bắc Kinh và xa rời Washington.
Điều đó sẽ gây lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ, những người đặc biệt nhạy cảm với khả năng Trung Quốc thách thức lợi ích kinh tế của Mỹ.
Rất có thể lập trường quyết liệt của ông Trump trong tuần này là một hình thức thể hiện ý chí chính trị và ông không có ý định chiếm bất kỳ lãnh thổ nào bằng vũ lực quân sự. Nhưng hậu quả ngoại giao của chiến lược đó sẽ rất thảm khốc - và chỉ khiến các nước trung gian xích lại gần Trung Quốc vì sợ phải chịu chung số phận.
Nhưng theo Telegraph, đối tượng mà vị tổng thống Mỹ mới nhắm tới không phải là Greenland, Panama hay thậm chí là các đồng minh châu Âu. Ông Trump đang gián tiếp nói với Trung Quốc, quốc gia ông cảm thấy đã trở nên quyết đoán hơn dưới thời chính quyền Biden. Bỏ qua yếu tố thường tạo kịch tính của tổng thống đắc cử Mỹ, thông điệp lần này của ông Trump đưa ra khá rõ ràng: Nước Mỹ sẽ không từ bỏ vị trí cường quốc số 1 và sẽ đấu tranh, thậm chí nếu cần mở rộng lãnh thổ thì cứ làm vậy.