Bộ công cộng liên bang Brazil đã đề nghị cảnh sát điều tra cáo buộc cựu Tổng thống Lula da Silva có dính líu tới vụ mua phiếu tại Quốc hội, từng khiến một số cố vấn thân cận của ông bị phạt tù.
Cựu Tổng thống Lula da Silva (nguồn: Tuga). |
Tháng 12 năm ngoái Tòa án tối cao liên bang Brazil đã kết án 25 chính trị gia và doanh nhân với tổng cộng 279 năm tù, trong một vụ bê bối tham nhũng chính trị được cho là lớn nhất tại nước này và từng làm chao đảo chính phủ của ông Lula.
Các nhân vật trên đã tham gia một mạng lưới hối lộ các nghị sĩ để họ ủng hộ chính phủ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Lula (2003-2006) cũng như tài trợ trái phép chiến dịch vận động tranh cử cho phép nhà lãnh đạo này thắng cử.
Theo ông Marcos Valerio, một doanh nhân trong lĩnh vực quảng cáo bị lĩnh 40 năm tù trong vụ bê bối này, ông Lula không chỉ biết hoạt động hối lộ trên mà còn sử dụng tiền quyên góp trái phép để chi tiêu cá nhân.
Ông Valerio còn quả quyết đã được Đảng Lao động (PT), do ông Lula sáng lập, cho phép thảo luận một khoản đóng góp cho PT trị giá 7 triệu USD của một chi nhánh của tập đoàn viễn thông Telecom của Bồ Đào Nha tại Macau (Trung Quốc).
Cáo buộc của ông Valerio được đưa ra từ tháng 9 năm ngoái nhằm tìm cách giảm nhẹ tội cho mình, nhưng cho tới bây giờ mới được chấp nhận điều tra.
Tuy nhiên, cáo buộc trên luôn bị ông Lula bác bỏ.
Ông Lula lãnh đạo Brazil từ năm 2003 đến năm 2010 và hiện tại vẫn là một nhân vật đầy quyền lực chính trị và có ảnh hưởng tới đương kim Tổng thống Dilma Rousseff.
Cho đến nay vụ xét xử trên không ảnh hưởng tới uy tín của ông Lula cũng như bà Dilma, nhưng mọi chuyện có thể sẽ thay đổi nếu các cuộc điều tra cho thấy ông Lula trực tiếp dính líu tới vụ bê bối.
Theo một số nhà phân tích, việc ông Lula bị buộc tội có thể sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch tái tranh cử của bà Dilma trong năm tới. Kết quả các cuộc điều tra dư luận mới được tiến hành cho thấy nếu ra tranh cử, bà sẽ nhận được nhiều phiếu ủng hộ nhất.
Quang Sơn