COVID-19 tới 6h sáng 29/6: Thế giới vượt 182 triệu ca mắc; Moskva có ca tử vong cao kỷ lục

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 301.000 ca bệnh COVID-19 và gần 5.500 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 182 triệu ca, trong đó trên 3,94 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (37.037 ca), Colombia (28.478 ca) và Brazil (27.804 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (907 ca), Colombia (648 ca) và Nga (611 ca).

Ấn Độ ghi nhận số ca tử vong theo ngày dưới 1.000 ca 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 37.037 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên trên 30,3 triệu ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 907 ca lên 397.668 ca.

Đây là lần thứ hai số người tử vong theo ngày tại Ấn Độ giảm xuống dưới mốc 1.000 ca trong gần 2 tháng rưỡi qua. Số người tử vong vì COVID-19 hàng ngày đã vượt 1.000 ca vào ngày 14/4. 

Trung Quốc không có thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Trùng Khánh, tây nam Trung Quốc, ngày 12/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 28/6 công bố báo cáo tình hình dịch bệnh nước này cho biết Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 21 ca mắc mới COVID-19 đều là các ca nhập cảnh và không có thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng. 

Trong số các ca nhập cảnh, 5 ca được ghi nhận ở Quảng Đông, 5 ca ở Vân Nam, 4 ca ở Tứ Xuyên, 3 ca ở Phúc Kiến, 2 ca ở Hồ Nam, trong khi Bắc Kinh và Thượng Hải mỗi nơi 1 ca mắc mới. Đến nay, Trung Quốc đại lục ghi nhận 91.753 ca mắc, trong đó có 86.655 người đã bình phục, trong khi số ca tử vong vẫn là 4.636 ca.

Tính tới ngày 27/6, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong ghi nhận 11.917 ca ca mắc, trong đó có 210 ca tử vong. Trong khi đó, hai vùng lãnh thổ khác của Trung Quốc là Macau đã ghi nhận 54 ca mắc và Đài Loan xác nhận có 14.634 ca mắc, trong đó có 632 ca tử vong.

Các biến thể lây lan mạnh tại UAE 

Chú thích ảnh
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của Sinopharm tại Dubai, UAE . Ảnh: AFP/TTXVN

Giới chức Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thông báo các ca mắc mới COVID-19 tại nước này chủ yếu bị nhiễm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, làm gia tăng số ca tử vong do dịch bệnh nguy hiểm này.

Với dân số khoảng 9 triệu dân, UAE là một trong những quốc gia triển khai chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 đã tăng trong tháng qua lên hơn 2.000 ca mắc mới/ngày, mặc dù con số này vẫn chưa đạt mức đỉnh hồi tháng 2. Trong ngày 26/6, UAE ghi nhận 10 ca tử vong, mức cao nhất được ghi nhận trong 1 ngày kể từ tháng 3 vừa qua.

Cơ quan xử lý khủng hoảng và thảm họa khẩn cấp quốc gia (NCEMA) cho biết số ca tử vong gia tăng là do sự lan rộng của các biến thể Beta, Delta và Alpha. Biến thể Beta, được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi, là biến thể đang lây lan mạnh nhất ở UAE, chiếm 39,2% các ca mắc. Biến thể Delta, được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ, chiếm 33,9% ca mắc, trong khi biến thể Alpha, được phát hiện đầu tiên ở Anh, chiếm 11,3%.

NCEMA kêu gọi người dân tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, lưu ý 92% bệnh nhân cần được điều trị tích cực đã không được tiêm chủng, trong khi 94% bệnh nhân tử vong chưa được tiêm phòng trước đó. Cũng theo cơ quan này, 91,8% người đủ điều kiện đã được tiêm chủng, chiếm 71% dân số UAE.

Bangladesh siết chặt biện pháp hạn chế

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Dhaka, Bangladesh ngày 19/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát mạnh, nhà chức trách Bangladesh đã quyết định từ ngày 28/6 siết chặt các biện pháp hạn chế trên cả nước để phòng chống dịch COVID-19. 

Theo đó, người dân được yêu cầu ở nhà. Tất cả các phương tiện giao thông, trừ xe đạp kéo (rickshaw) và các xe chở hàng hóa thiết yếu, phải dừng hoạt động từ 6h ngày 28/6 theo giờ địa phương (tức 7h cùng ngày giờ Việt Nam) đến 6h ngày 1/7 tới. Các cửa hàng, trung tâm mua sắm, khu nghỉ dưỡng và trung tâm cộng đồng cũng sẽ phải đóng cửa trong thời gian này. Trong khi đó, các cơ quan nhà nước và tư nhân được phép hoạt động nhưng chỉ với một bộ phận nhân sự chủ chốt và phải đảm bảo phương tiện giao thông cho họ. Các dịch vụ khẩn cấp và nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu duy trì hoạt động.

Trong 24 giờ qua, Bangladesh có thêm 104 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca không qua khỏi tại quốc gia Nam Á này lên 14.276 ca. Bangladesh cũng ghi nhận 8.364 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 896.770 ca.  

Từ giữa tháng 4 vừa qua, chính quyền Bangladesh đã áp dụng các biện pháp hạn chế hoạt động và di chuyển để phòng dịch trong bối cảnh số ca mắc và tử vong tăng cao. Số ca mắc giảm trong tháng 5, song tăng trở lại vào tháng 6 này, buộc nhà chức trách siết chặt biện pháp phòng dịch.

Nhật Bản: Để ngỏ khả năng tái ban bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Osaka, Nhật Bản, ngày 21/6/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura, người phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản, tuyên bố không loại trừ khả năng tái ban bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và những khu vực có số ca nhiễm mới đang tăng trở lại. 

Phát biểu trong một chương trình truyền hình, ông Nishimura nói: “Nếu cần, chúng tôi sẽ không ngần ngại ban bố tình trạng khẩn cấp và sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp một cách linh hoạt ở các khu vực đang áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm”. 

Riêng đối với thủ đô Tokyo, Bộ trưởng Nishimura cho biết xu hướng tăng của số ca nhiễm mới đã trở nên rõ ràng hơn và chính quyền trung ương đang hợp tác với các chuyên gia và chính quyền thủ đô Tokyo để phân tích các diễn biến về tình hình dịch bệnh với sự cảnh giác cao.

Hiện nay, thủ đô Tokyo và 6 tỉnh khác vẫn nằm trong phạm vi áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm.

Bang Queensland của Australia siết chặt các biện pháp phòng dịch 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Sydney, Australia, ngày 25/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngày 28/6, chính quyền bang Queensland của Australia đã tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang, hạn chế hội họp đông người tại nhà riêng, đồng thời siết chặt quy định giãn cách xã hội để tăng cường phòng dịch.

Cuối tuần qua, Sydney - thành phố đông dân nhất Australia - đã bắt đầu triển khai lệnh phong tỏa kéo dài 2 tuần nhằm ngặn chặn sự lây lan của ổ dịch Bondi liên quan đến biến thể Delta phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ. 

Tính đến nay, có hơn 18 triệu người dân Australia, tương ứng 70% dân số nước này, đang thực hiện lệnh phong tỏa ở nhiều cấp độ khác nhau để phòng chống dịch COVID-19. 

Theo kế hoạch, Ủy ban an ninh quốc gia Australia sẽ nhóm họp khẩn cấp trong ngày 28/6 để xử lý cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 ngày càng gia tăng khi ổ dịch mới bùng phát 2 tuần qua đã lây nhiễm cho hơn 130 người, đe dọa thành quả phòng chống dịch của nước này. 

Giới chức Australia đang cảnh giác cao trước sự lây lan của biến thể Delta, mặc dù nước này được cho là đã kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tốt hơn so với nhiều nước phát triển khác. Australia đến nay ghi nhận tổng cộng 30.450 ca mắc COVID-19, trong đó có 910 ca tử vong.

Trong phát biểu cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg cho biết nước này sẽ chỉ mở cửa biên giới nếu tình hình dịch bệnh đã an toàn và sẽ thực hiện theo khuyến nghị của giới chức y tế. 

Australia đã đóng cửa biên giới từ tháng 3/2020 để kiểm soát dịch bệnh và chỉ cho phép nhập cảnh đối với công dân nước này về nước, với quy định cách ly bắt buộc 14 ngày.

Nga: Moskva, Saint Petersburg ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở ngoại ô Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Hai điểm nóng dịch COVID-19 ở Nga là thành phố Moskva và Saint Petersburg ngày 28/6 ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất từ trước tới nay trong bối cảnh nước này đang đương đầu với làn sóng dịch thứ ba. 

Cụ thể, thủ đô Moskva ghi nhận thêm 124 ca tử vong, còn thành phố Saint Petersburg thêm 110 ca do COVID-19, vượt ngưỡng cao nhất mà cả hai thành phố này ghi nhận cuối tuần qua. 

Số ca tử vong tăng cao kỷ lục do biến thể Delta phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ đã làm gia tăng số ca nhiễm ở Nga. Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 21.650 ca mắc mới và 611 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 5.472.941 và 133.893 ca tử vong.

Ngày 28/6, thủ đô Moskva đã buộc phải tái áp đặt cơ chế làm việc tại nhà trong bối cảnh Nga đang nỗ lực khống chế đà lây lan của dịch COVID-19 do sự xuất hiện của biến thể Delta.

Từ ngày 28/6, mọi cư dân thủ đô sẽ phải làm việc tại nhà, trừ những người đã được tiêm chủng. Người dân cũng sẽ phải xuất trình mã QR để vào nhà hàng, xác nhận rằng họ đã được tiêm phòng hoặc đã mắc COVID-19 trong 6 tháng qua hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Dịch bệnh bùng phát mạnh ở Nga - một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới - cũng đang khiến giới chức các nước lo ngại trong bối cảnh giải bóng đá EURO 2020 đang diễn ra, thu hút hàng nghìn người hâm mộ tới sân vận động theo dõi các trận đấu tại các quốc gia khác nhau trên khắp châu lục. Thành phố Saint Petersburg của Nga đã tổ chức 6 trận đấu và là địa điểm diễn ra một trong những trận tứ kết vào ngày 2/7 tới. Số lượng khán giả đã được giới hạn 50% song vẫn lên tới 26.000 người. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể Delta hiện đã có mặt ở 85 quốc gia và là biến thể dễ lây lan nhất trong số những loại được xác định cho đến nay.

Đức sẽ không tái áp đặt kiểm soát biên giới để ngăn làn sóng dịch mới

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Magdeburg, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 28/6, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết nước này sẽ không thực hiện biện pháp đóng cửa biên giới với các nước láng giềng châu Âu một lần nữa để ngăn chặn biến thể Delta lây lan trong bối cảnh biến thể này vẫn đang lan rộng tại châu Âu.

Phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến chung với các nhà lập pháp Đức và Pháp, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh mặc dù biến thể Delta vẫn đang lan rộng, vẫn cần phải sử dụng các phương tiện khác để ngăn chặn đại dịch thay vì áp dụng quy định đóng cửa biên giới.

Thủ tướng Đức cho biết, trong đợt bùng phát thứ nhất của đại dịch, việc đóng cửa biên giới là biện pháp rất khó khăn mà nước này buộc phải thực hiện. Nhưng điều này "không nên xảy ra một lần nữa". Theo bà Merkel, biện pháp kiểm soát biên giới được áp dụng năm ngoái là một phép thử đối với một châu Âu không có biên giới nội khối. Bà đồng thời nhấn mạnh các đường biên giới mở đòi hỏi phải có sự phối hợp rất chặt chẽ với các quốc gia khác trong một số lĩnh vực nhất định. Đức đã rút ra bài học từ việc này, đó là cách để có thể hợp tác tốt hơn trong khu vực và phối hợp với các quốc gia khác. Thủ tướng Đức khẳng định với tư cách là một đối tác tích cực, chủ động, nước này luôn sẵn sàng cùng các quốc gia khác giải quyết những thách thức chung.

Hiện tại, do biến thể Delta rất dễ lây lan, nhiều chính trị tại các bang của Đức đang kêu gọi chính phủ liên bang thực hiện các quy định chặt chẽ hơn đối với người nhập cảnh, ví dụ như tiến hành kiểm dịch bắt buộc đối với tất cả những người chưa được tiêm phòng trở về từ các khu vực có nguy cơ hoặc có tỷ lệ mắc bệnh cao. Thủ tướng Merkel và Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer đã bác bỏ những yêu cầu này. Bộ trưởng Seehofer cho rằng "hiện không có lý do gì để tăng cường kiểm soát biên giới hơn nữa", các biện pháp hiện tại vẫn đang được thực hiện tốt với mục tiêu là ngăn chặn sự lan rộng của virus càng nhiều càng tốt.

Italy bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên cả nước 

Chú thích ảnh
Người dân chụp ảnh trước Đấu trường La Mã ở Rome, Italy, ngày 12/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Italy đã chính thức bỏ quy định đeo khẩu trang trên khắp cả nước, đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với quốc gia châu Âu đầu tiên phải hứng chịu đại dịch COVID-19 hồi tháng 2/2020.

Trong một sắc lệnh có hiệu lực vào ngày 28/6, Bộ Y tế Italy lần đầu tiên đã xếp tất cả 20 khu vực của Italy là "vùng trắng", có nghĩa là các vùng có nguy cơ thấp về COVID-19. Điều này đồng nghĩa là đeo khẩu trang sẽ không còn là quy định bắt buộc ở các khu vực ngoài trời. 

Từng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 ở châu Âu, Italy đã chứng kiến số ca mắc và tử vong mới do COVID-19 giảm mạnh trong những tuần gần đây. Theo số liệu của chính phủ, tính tới ngày 27/6, khoảng 33% dân số trên 12 tuổi đã được tiêm chủng, tương đương 17.572.505 người. Bất chấp những thành quả chống dịch đã đạt được, Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza khuyến cáo người dân vẫn duy trì cảnh giác trước nguy cơ xuất hiện các biến thể mới. Đến nay, Italy đã ghi nhận hơn 127.000 ca tử vong trong tổng số hơn 4 triệu ca mắc COVID-19.

Ukraine có số ca tử vong trong ngày thấp nhất trong 11 tháng

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Kiev, Ukraine ngày 15/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Với 9 ca tử vong, Ukraine ghi nhận số ca tử vong trong một ngày ở mức thấp nhất kể từ ngày 19/7/2020. Nước này cũng ghi nhận thêm 285 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh đến nay lên 2,23 triệu ca, trong đó có 52.295 ca tử vong. 

Bộ Y tế Ukraine cho biết số ca mắc mới đang giảm mạnh. Đầu tháng này, Ukraine đã dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế trong nước trong khi gia hạn một số biện pháp khác cho đến ngày 31/8. Nước này đã nới lỏng một số yêu cầu về đi lại tới phần lớn các điểm đến, song siết chặt kiểm soát biên giới và buộc các du khách đến từ các nước có biến thể Delta bắt buộc phải tiến hành xét nghiệm kháng nguyên virus SARS-CoV-2.

Thùy Dương/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 28/6: Ca bệnh và tử vong ở Indonesia cao nhất; Làn sóng dịch ở Campuchia chưa giảm
COVID-19 tại ASEAN hết 28/6: Ca bệnh và tử vong ở Indonesia cao nhất; Làn sóng dịch ở Campuchia chưa giảm

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 28/6, 9 quốc gia ASEAN ghi nhận 38.251 ca mắc COVID-19 và 602 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 4.667.130 ca, trong đó 92.944 người tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN