COVID-19 tới 6 giờ sáng 26/9: Thế giới gần 1 triệu ca tử vong; Anh ghi nhận ca mắc mới cao kỷ lục

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 281.563 trường hợp mắc COVID-19 và 4.873 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 32 triệu người.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tạ khu vực biên giới Hy Lạp- Bulgaria. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 26/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 32.710.774 ca, trong đó có 992.008 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 24.134.697 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn  63.638 ca và 7.584.069 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 25/9, thế giới có tới 132 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 86 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhất là ở các tâm dịch Mỹ, Ấn Độ và Brazil.  

Chú thích ảnh
 Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Ashkelon, Israel. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (85.473 ca), Mỹ (43.546 ca) và Brazil (29.704 ca); trong khi đó Ấn Độ (với 1.093 ca), Mỹ (728 ca), Brazil (654 ca) và Mexico (với 490 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.  

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Châu Âu lại đối mặt với đợt bùng phát dịch mới khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên.

Chú thích ảnh
  Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn lây nhiễm COVID-19 tại Hyderabad, Ấn Độ, ngày 24/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 7.229.017 ca mắc và 208.248 ca tử vong, tiếp đến là Ấn Độ với 5.901.576 ca mắc và 93.410 ca tử vong. Brazil đứng thứ 3 thế giới về số ca mắc (4.689.613 ca), trong đó có 140.537 ca tử vong.

Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Ban tổ chức Carnival 2021 - lễ hội diễu hành nổi tiếng nhất của Brazil được tổ chức vào tháng 2 hằng năm, đã phải hoãn sự kiện truyền thống này.

Sau Brazil là Nga với 1.136.048 ca mắc - tăng 7.212 ca trong 24 giờ qua (mức cao nhất kể từ ngày 23/6), và 20.056 ca tử vong. Người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov ngày 25/9 cho biết nước này không có kế hoạch áp đặt những hạn chế đóng cửa nghiêm ngặt mặc dù số ca nhiễm mới COVID-19 mỗi ngày gia tăng.

Chú thích ảnh
  Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi chờ tàu điện ngầm tại Moskva, Nga, ngày 1/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Không chỉ có Nga, một số nước khác ở châu Âu cũng ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh trong những tuần gần đây, buộc các chính phủ phải tăng cường các biện pháp chống dịch.

Cụ thể, ngày 25/9, Anh ghi nhận thêm 6.634 ca mắc COVID-19, mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch, dấu hiệu cho thấy nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Số ca tử vong cũng tăng 40 ca lên 41.902 ca, trong tổng số 416.363 ca mắc. Cùng ngày, lệnh giới nghiêm tại các quán bar bắt đầu có hiệu lực ở vùng England và Wales nhằm ngăn chặn dịch lây lan.

Tại Pháp, Bộ Y tế cũng thông báo số ca mắc COVID-19 trong ngày ở mức cao nhất, lên tới 16.096 ca ngày 24/9, nâng tổng số ca bệnh lên 497.237 ca, trong đó có 31.511 ca tử vong.

Hiệp hội các bệnh viện công ở thủ đô Paris thông báo các ca phẫu thuật không khẩn cấp sẽ phải lùi ngày do số ca mắc COVID-19 đang tăng cao. Trong 3 tuần qua, số ca mắc COVID-19 ở Pháp đã tăng hơn gấp đôi, từ 150 ca lên 330 ca, trong khi số ca phải điều trị tích cực tăng từ 50 ca lên 132 ca.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Basque, Tây Ban Nha, ngày 15/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, Tây Ban Nha đã đưa ra cảnh báo giai đoạn khó khăn hơn đang ở phía trước, khi số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt 700.000 ca, cụ thể đang là 704.209 ca, trong đó có 31.118 ca tử vong. Vùng thủ đô Madrid hiện là "điểm nóng" dịch, chiếm 1/3 số ca phải nhập viện. Chính quyền Madrid đã áp đặt phong tỏa một phần tại nhiều quận có tỷ lệ lây nhiễm cao.

Tại Bồ Đào Nga, chính phủ nước này thông báo tiếp tục gia hạn các biện pháp chống dịch đến ít nhất là giữa tháng 10 tới, trong bối cảnh số ca mắc theo ngày cả trong nước và nước ngoài gia tăng. Cho đến nay Bồ Đào Nha đã ghi nhận tổng cộng 71.156 ca mắc COVID-19 với 1.931 ca tử vong.

Ở khu vực Đông Âu, số ca mắc mới tại một số nước cũng đã tăng cao trở lại, trong đó Ba Lan, Slovakia và Gruzia ghi nhận mức cao nhất trong một ngày kể từ khi bùng dịch.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Á, đang có sự khác nhau trong cách xử lý dịch COVID-19 ở một số quốc gia. Cụ thể, Hàn Quốc đang tích cực chuẩn bị cho giai đoạn chống dịch then chốt khi số ca mắc mới hằng ngày vẫn trên 100 ca trong ngày thứ 3 liên tiếp.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 25/9 cho biết nước này ghi nhận thêm 114 ca mắc COVID-19, trong đó có 95 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm lên 23.455 ca.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ phòng dịch COVID-19 làm nhiệm vụ tại một trung tâm chăm sóc sức khỏe ở Hong Kong, Trung Quốc ngày 23/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 25/9, Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cho biết Hong Kong về cơ bản đã ngăn chặn được làn sóng dịch COVID-19.

Chính quyền Hong Kong trong thời gian này một mặt nới rộng các biện pháp giãn cách xã hội theo giai đoạn, để các hoạt động kinh tế và cuộc sống bình thường của người dân dần dần được khôi phục, giảm bớt sức ép cho doanh nghiệp và sự mệt mỏi chống dịch của người dân; mặt khác, kiểm tra toàn diện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phải nâng cao khả năng chống dịch ở nhiều phương diện nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho việc ứng phó dịch bệnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bà Lâm cũng nhấn mạnh nguy cơ mùa Đông năm nay sẽ lại bùng phát làn sóng dịch COVID-19 khác là rất lớn. Chính quyền Hong Kong đang chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với làn sóng dịch bệnh mới có thể xuất hiện như điều chỉnh các biện pháp kiểm soát xuyên biên giới theo mức độ rủi ro, tăng cường toàn diện giám sát dịch bệnh và xét nghiệm virus SARS-Cov-2, truy vết người tiếp xúc chặt chẽ, tăng thêm các cơ sở kiểm dịch và cách ly, duy trì giãn cách xã hội, mua và tiêm phòng vaccine.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 lên xe cứu thương tại bang Victoria, Australia ngày 28/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Australia, bang Victoria cũng đang lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng dịch sau khi chỉ ghi nhận 14 ca mắc mới và 8 ca tử vong trong 24 giờ qua. Tỷ lệ nhiễm trung bình 2 tuần qua tại thành phố Melbourne đã giảm xuống dưới 26, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 30-50 mà thành phố này đặt ra để nới lỏng các biện pháp phòng chống.

Ở Trung Đông, Iran hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19. Ngày 25/9, Iran ghi nhận số ca tử vong do COVID-19  ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 8, với 207 ca, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 25.222 ca. Số ca mắc bệnh cũng tăng 3.563 ca lên tổng cộng 439.882 ca.

Giới chức y tế nước này mới đây đã cảnh báo nguy cơ gia tăng số ca mắc COVID-19, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ các quy định phòng dịch nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Budapest, Hungary, ngày 23/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Bất chấp làn sóng thứ hai lây nhiễm dịch COVID-19 đang diễn ra ở nhiều nước châu Âu, ngày 25/9, Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) cho biết nguy cơ hành khách nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên máy bay chở khách hiện nay "rất ít" nhờ các biện pháp phòng chống dịch.

Theo EASA, trong những tuần gần đây, chỉ có 7 trong số 3 triệu lượt hành khách đi máy bay có biểu hiện nhiễm virus SARS-CoV-2 khi ở trên máy bay.

Phát biểu với báo giới, Giám đốc điều hành EASA, Patrick Ky cho biết các hãng hàng không và sân bay ở châu Âu "kiểm soát chặt chẽ" nguy cơ lây nhiễm trên máy bay.

Hiện nay, tất cả các hãng hàng không trên thế giới đều yêu cầu hành khách phải đeo khẩu trang trong suốt hành trình bay và điều này được xem là đã có tác dụng bảo vệ. Một số hãng hàng không thâm chí đã cam kết chịu mọi chi phí điều trị và bồi thường cho hành khách nếu nhiễm virus SARS-CoV-2 trong quá trình bay.

Chú thích ảnh
 Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Yogyakarta, Indonesia ngày 10/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 23/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 8.346 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 15.840 người.

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Myanmar. Indonesia vẫn là nước dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch và bỏ xa các quốc gia khác.

Philippines hiện có tổng số ca mắc bệnh cao nhất trong số các nước thành viên hiệp hội. Philippines số ca tử vong tiếp tục xu thế giảm trong những ngày gần đây.

Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN hiện nay, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh mới và số ca tử vong mới cao nhất khu vực.

Singapore tiếp tục kiểm soát khá tốt tình hình và đã nhiều tuần nay không phát sinh ca tử vong mới nào vì COVID-19. Malaysia tình hình đáng quan ngại hơn, nguy cơ làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi nước này ghi nhận 111 ca bệnh trong ngày 25/9.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Yangon, Myanmar, ngày 26/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Myanmar mấy ngày qua có số ca mắc mới bất ngờ tăng đột biến và hiện đối mặt với nguy cơ dịch leo thang nhanh chóng. Tình hình tại quốc gia thành viên này hiện rất đáng quan ngại khi ghi nhận tới trên 760 ca bệnh mới trong 1 ngày qua.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 15.845 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 206 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 648.729 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 502.837 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 6 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Trong khi đó, Việt Nam, Brunei, Campuchia, Timor-Leste và Lào là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 25/9. Tình hình dịch bệnh tại một số nước ASEAN, tạo điều kiện cho việc xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.

Chú thích ảnh
WHO nhận định châu Phi đã qua đỉnh dịch. Ảnh: Anadolu Agency

Ngày 25/9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo châu Phi đã thoát khỏi giai đoạn đỉnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đại dịch lịch sử hiện vẫn đang hoành hành trên phần còn lại của thế giới kể từ đầu năm 2020.

Trong một thông báo cùng ngày, Văn phòng châu Phi của WHO có trụ sở tại thủ đô Brazzaville của Congo cho biết trong 2 tháng qua, tốc độ lây lan virus SARS-CoV-2 tại châu lục này đã giảm đáng kể. Tính riêng trong giai đoạn 4 tuần vừa qua, Lục địa Đen chỉ ghi nhận 77.147 ca mắc COVID-19, thấp hơn nhiều so với 131.647 ca trong cùng quãng thời gian trước đó.

Trên tổng thể, tính đến ngày 25/9, châu Phi ghi nhận 1.439.657 ca mắc COVID-19, trong đó bao gồm 34.706 trường hợp tử vong, thấp hơn đáng kể so với các quốc gia và châu lục khác trên thế giới, đặc biệt so với Mỹ, nước hiện ghi nhận tới 6.979.937 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 202.827 người tử vong.

Theo WHO, phần lớn các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại châu Phi như Nam Phi, Algeria, Ethiopia, Nigeria… đều ghi nhận số ca mắc mới giảm mạnh trong 2 tháng vừa qua, trong đó Nam Phi, quốc gia chiếm tới nửa số ca mắc tại châu lục, chứng kiến số ca mắc mới giảm tới 70-80%.

Lý giải cho hiện tượng này, WHO cho rằng mật độ dân số thấp, khí hậu nóng ẩm cùng cơ cấu dân số trẻ là những nguyên nhân giúp châu lục 1,3 tỷ dân này vượt qua giai đoạn đỉnh dịch. Theo WHO, 91% số ca mắc COVID-19 tại châu Phi nằm trong độ tuổi dưới 60, trong khi khoảng 80% số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 không biểu hiện triệu chứng.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Dịch COVID-19 tại ASEAN hết 25/9: Toàn khối 15.845 ca tử vong; Myanmar trên 700 ca bệnh mới/ngày
Dịch COVID-19 tại ASEAN hết 25/9: Toàn khối 15.845 ca tử vong; Myanmar trên 700 ca bệnh mới/ngày

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 23/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 8.346 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 15.840 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN