COVID-19 tại ASEAN hết 7/12: Thái Lan không phong toả bất chấp Omicron; Việt Nam 26.700 ca tử vong

Trong 24 giờ qua, các nước ASEAN ghi nhận trên 25.000 ca nhiễm mới, 413 ca tử vong. Thái Lan khẳng định không phong toả bất chấp biến thể Omicron đã xuất hiện, trong khi số ca tử vong ở nước ta đã lên tới 26.700 người.

Chú thích ảnh
Học sinh đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại trường tiểu học ở Quezon, Philippines, ngày 6/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 7/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 25.242 ca mắc mới COVID-19 và 413 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 14.277.339 trường hợp và 295.130 ca tử vong. Toàn khối có 13.445.174 bệnh nhân đã bình phục.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục xu thế giảm nhiệt ở nhiều quốc gia từng là điểm nóng trước đây. Ca nhiễm mới ở Philippines giảm đáng kể so với thời kỳ đỉnh cao, chỉ còn 356 ca trong ngày 5/12. Số ca tử vong mới ở nước này cũng giảm mạnh, còn 92 trường hợp.  Số ca mắc COVID-19 giảm và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng tăng đã cho phép Philippines hồi sinh ngành du lịch với việc mở cửa biên giới từ ngày 1/12. Du khách đã được tiêm phòng đầy đủ đến từ 157 quốc gia sẽ không phải cách ly nếu có kết quả xét nghiệm âm tính ngay trước chuyến bay và nếu họ không đi du lịch đến các quốc gia có tỷ lệ nhiễm bệnh cao trong vòng 2 tuần trước đó. 

Cùng ngày, Việt Nam ghi nhận 13.840 ca nhiễm mới, đứng đầu khu vực, nâng tổng số ca mắc lên 1.337.523 trường hợp, và 217 ca tử vong mới, đưa tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 26.700 người. Cho đến nay, nước ta đã có 1.010.407 bệnh nhân hồi phục.

Chú thích ảnh
Du khách tham gia lễ hội Loy Krathong tại Bangkok, Thái Lan, ngày 19/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Malaysia đứng thứ hai khu vực về ca nhiễm mới, với 4.965 ca trong 24 giờ qua. Ca nhiễm tại Malaysia những ngày gần đây đã giảm xuống dưới ngưỡng 5.000 ca. Với sự xuất hiện biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, Chính phủ Malaysia đã quyết định tạm dừng các biện pháp chuyển sang giai đoạn xác định COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Thái Lan đứng thứ ba khu vực về ca nhiễm mới với 3.525 ca trong 24 giờ qua, giảm mạnh so với những ngày trước. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 2/12 khẳng định chính phủ sẽ không áp đặt lệnh phong tỏa quốc gia bất chấp những lo ngại trên thế giới về biến thể Omicron, song việc đóng cửa các địa điểm giải trí có thể sẽ được kéo dài. Thái Lan đã cấm nhập cảnh đối với du khách (ngoại trừ công dân Thái Lan) đến từ 8 quốc gia châu Phi gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe từ đầu tháng này do lo ngại biến thể Omicron. Những người đến từ các quốc gia ở châu Phi không thuộc diện cấm vẫn phải cách ly trong 14 ngày và phải xét nghiệm COVID-19 nhiều lần. 

Số ca nhiễm mới tại Singapore ổn định quanh mức 500-600 ca/ngày, với 662 ca nhiễm và 4 ca tử vong trong ngày 7/12. Hôm 2/12, nước này đã ghi nhận 2 ca nhiễm biến thể mới Omicron là những trường hợp nhập cảnh và không tiếp xúc với cộng đồng. Ngày 6/12, Singapore khẳng định xét nghiệm nhanh kháng nguyên (ART) hiệu quả trong phát hiện biến thể Omicron và là “vũ khí” chống dịch COVID-19 của “đảo quốc Sư tử”. Bộ Y tế Singapore cho biết kết quả các phân tích được thực hiện là ngoài xét nghiệm PCR, ART cũng có thể phát hiện biến thể Omicron. Singapore đã sử dụng ART nhằm khôi phục tổ chức các sự kiện quy mô lớn. Từ tuần này, Singapore cũng yêu cầu du khách đến quốc đảo này cần phải xét nghiệm ART hàng ngày.

Trong khi đó, Campuchia chỉ ghi nhận 16 ca nhiễm mới và 3 ca tử vong mới trong ngày. Từ ngày 30/11, Campuchia đã quyết định cho phép các quán karaoke, câu lạc bộ đêm và quán bar tại thủ đô Phnom Penh được mở cửa trở lại sau một thời gian dài ngừng hoạt động do đại dịch COVID-19. Quyết định này được đưa ra sau khi phần lớn dân số Campuchia đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 và số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày giảm đáng kể. 

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 1/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Thái Lan không áp đặt phong tỏa bất chấp biến thể Omicron

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul ngày 7/12 tuyên bố nước này sẽ không áp đặt phong tỏa bất chấp sự xuất hiện của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19.

Thái Lan trước đó đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron là một người Mỹ nhập cảnh ngày 30/11 từ Tây Ban Nha, trở thành nước thứ 47 phát hiện biến thể mới này. 

Ông Anutin cho biết Cục Y khoa Thái Lan đang tiến hành xét nghiệm chặt chẽ hơn đối với mẫu bệnh phẩm của ca nhiễm trên để đảm bảo đó thực sự là biến thể Omicron. Kết quả sẽ có sau 3-4 ngày. Ông khẳng định các biện pháp phòng dịch của Thái Lan hiện nay vẫn hiệu quả vì tất cả hành khách nhập cảnh nước này đều phải xuất trình kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính cùng giấy chứng nhận tiêm chủng và đêm đầu tiên phải ở trong khu cách ly để chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR lần nữa.

Theo ông Anutin, cách duy nhất để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron là duy trì các biện pháp phòng ngừa tốt và tiêm phòng COVID-19 đầy đủ. Ông nêu rõ Thái Lan vừa mới mở cửa trở lại và nhiều doanh nghiệp bắt đầu phục hồi. Nhà chức trách muốn người dân trở lại nhịp sống bình thường, đặc biệt khi lễ hội Năm mới đang đến gần.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 1/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trước đó, ngày 6/12, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết Thủ tướng Prayut Chan-o-cha kêu gọi người dân không hoảng loạn trước thông tin nước này phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron và nhanh chóng đi tiêm phòng. Cũng theo quan chức này, Chính phủ Thái Lan chưa xem xét việc tăng cường các biện pháp hạn chế.

Về tình hình dịch COVID-19, Thái Lan sáng 7/12 ghi nhận 3.525 ca mắc mới và 31 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay lên 2.148.766 ca, trong đó có 20.997 ca không qua khỏi. Hầu hết số ca mắc và tử vong vì COVID-19 được khi nhận từ đầu tháng 4 khi làn sóng lây nhiễm thứ ba bùng phát ở nước này.

Indonesia hủy kế hoạch áp dụng lệnh hạn chế cấp độ 3 trên toàn quốc

Chính phủ Indonesia đã quyết định hủy bỏ kế hoạch triển khai Lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 3 trên toàn quốc.

Ngày 7/12, Bộ trưởng Điều phối hàng hải và đầu tư kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban xử lý COVID-19 Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan cho biết công tác ứng phó với đại dịch COVID-19 đã có những cải thiện đáng kể và hiện dịch bệnh đang được kiểm soát. Theo đó, số ca mắc mới trung bình hằng ngày duy trì ở mức dưới 400 ca; tỷ lệ tiêm chủng mũi vaccine thứ nhất cho người dân trên đảo Java-Bali đã đạt 76% so với chỉ tiêu và 56% đối với mũi vaccine thứ hai. Bên cạnh đó, việc tiêm chủng cho người cao tuổi cũng được đẩy mạnh.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Indonesia, ngày 23/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Với những dấu hiệu tích cực như vậy, Bộ trưởng Luhut cho rằng chính sách PPKM trong dịp Giáng sinh và Năm mới sẽ được thực hiện cân bằng hơn. Chính phủ sẽ xem xét áp dụng cấp độ PPKM đối với từng khu vực tùy thuộc tình hình dịch bệnh. Cùng với các biện pháp tăng cường phòng chống dịch như 3T (xét nghiệm, truy vết và điều trị) và chương trình tiêm chủng quốc gia, Bộ trưởng Luhu khẳng định Indonesia đã sẵn sàng hơn để đối phó với những nguy cơ từ dịch bệnh, nhất là trong thời điểm cuối năm. 

Dịch bệnh tại Lào vẫn diễn biến phức tạp

Trong khi đó, Lào ngày 7/12 ghi nhận trong 24 giờ qua nước này có 1.378 ca mắc mới COVID-19 tại 18 tỉnh, thành phố và 4 ca tử vong.

Bộ Y tế Lào nêu rõ số ca mắc COVID-19 tăng 489 trường hợp so với số ca ghi nhận ngày 6/12. Trong đó, thủ đô Viêng Chăn ghi nhận số ca cộng đồng tăng 294 trường hợp, tiếp tục đứng đầu cả nước với 557 trường hợp. Ngoài ra, tỉnh Viêng Chăn có số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng vọt với 238 trường hợp trong 24 giờ. Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 82.082 ca, trong đó có 214 người tử vong.

Trước những lo ngại về sự xuất hiện nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2, nhất là trong bối cảnh quốc gia láng giềng Thái Lan thông báo ghi nhận biến thể Omicron, Bộ Y tế Lào khuyến cáo người dân cần tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, đồng thời khẩn trương tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ngoài ra, theo sự cho phép của Ủy ban chuyên trách, Chính phủ Lào yêu cầu người nhập cảnh nước này phải cài đặt và đăng ký ứng dụng Lao KYC trên thiết bị di động để sử dụng dịch vụ "Lao Susu" và đăng ký tạo mã vaccine ID để sử dụng như thẻ xác nhận tiêm chủng.

Chú thích ảnh
Các phương tiện di chuyển trên phố ở Phnom Penh, Campuchia ngày 17/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Campuchia sẽ sản xuất vaccine Sinopharm từ năm 2022

Công ty dược Sinopharm của Trung Quốc đã ký thỏa thuận với một công ty của Campuchia để bắt đầu sản xuất vaccine ngừa COVID-19 từ năm 2022. 

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, một quan chức cấp cao của Bộ Y tế Campuchia đã xác nhận thông tin nói trên sau khi Thủ tướng nước này - ông Samdech Techo Hun Sen đề cập vấn đề sản xuất vaccine ngừa COVID-19 tại buổi lễ khánh thành Quốc lộ 11 ngày 6/12. Thủ tướng Hun Sen cho biết ông đã yêu cầu phía Trung Quốc sản xuất vaccine ngừa COVID-19 tại Campuchia và khẳng định “hiện Chính phủ Trung Quốc đã ủng hộ việc này và các công ty đã ký thỏa thuận”. Ông cũng cho rằng kế hoạch này sẽ giúp Campuchia đáp ứng nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 trong nước khi sản phẩm này được sản xuất nội địa, đồng thời chi phí cho công tác này cũng giảm thiểu do "không phải trả thêm phí chuyên chở hay vận chuyển đường xa”.

Quan chức Bộ Y tế Campuchia cho biết cơ quan này đang thảo luận chi tiết về địa điểm đặt nhà máy mới để sản xuất vaccine Sinopharm cũng như thời điểm để quá trình này bắt đầu. 

Ngày 6/12, Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Vương Văn Thiên cũng đã xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết công ty Sinopharm đang hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế Campuchia để sản xuất vaccine ngừa COVID-19 tại Campuchia.

Thu Hằng/Báo Tin tức
COVID-19 tới 6h sáng 8/12:  Vaccine Omicron sẵn sàng vào tháng 3; EU khuyên trộn vaccine tốt hơn
COVID-19 tới 6h sáng 8/12: Vaccine Omicron sẵn sàng vào tháng 3; EU khuyên trộn vaccine tốt hơn

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 545.000 ca nhiễm và 6.805 ca tử vong. CEO của Pfizer khẳng định nếu cần vaccine phòng Omicron sẽ sẵn sàng vào tháng 3, trong khi châu Âu khuyến nghị kết hợp vaccine COVID-19 vector với mRNA cho hiệu quả miễn dịch tốt hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN