Diễn biến dịch trong ngày 12/11
Đứng đầu ASEAN về số ca mắc trong ngày 12/11 là Indonesia với 4.173 ca, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 452.291 ca. Indonesia cũng ghi nhận số ca tử vong trong ngày này cao nhất ASEAN với 97 ca, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch lên 14.933. Virus gây bệnh COVID-19 đã lan tới toàn bộ 34 tỉnh của Indonesia.
Đứng thứ hai về ca mắc COVID-19 trong ngày 12/11 là Philippines với 1.407 ca, nâng tổng số ca mắc lên 402.820. Philippines cũng ghi nhận 11 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 7.721. Philippines là vùng dịch COVID-19 lớn thứ hai ASEAN.
Tại Myanmar, nước này ghi nhận số ca mắc cao thứ ba ASEAN trong ngày 12/11 với 1.145 ca, nâng tổng số ca mắc lên 65.598. Myanmar ghi nhận 28 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 1.508 ca.
Malaysia ghi nhận 919 ca mắc COVID-19 mới trong ngày 12/11, cao thứ tư ASEAN. Tổng số ca mắc hiện nay tại Malaysia là 43.791, trong đó 303 ca tử vong.
Các nước còn lại ghi nhận số ca mắc mới không đáng kể: Singapore (11 ca), Thái Lan (5 ca).
Tình hình vaccine ngừa COVID-19
Indonesia nỗ lực đảm bảo nguồn cung vaccine COVID-19
Tại cuộc làm việc với Ủy ban XI của Hạ viện ngày 12/11, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani cho biết chính phủ nước này đã phân bổ 34.000 tỷ rupiah (hơn 2,3 tỷ USD) để mua vaccine phòng COVID-19 trong năm 2020 và 2021.
Cụ thể, Chính phủ Indonesia đã chuẩn bị 5.000 tỷ rupiah trong quỹ để xử lý các vấn đề y tế và vaccine trong năm nay và cũng chuẩn bị ngân sách 29.230 tỷ rupiah cho chương trình tiêm chủng và bảo trợ xã hội vào năm 2021.
Theo bà Sri Mulyani, đến nay, Chính phủ Indonesia đã phân bổ 97.260 tỷ rupiah cho các vấn đề y tế trong chương trình ứng phó đại dịch COVID-19. Nguồn vốn đã được giải ngân cho một số chương trình như chi tiêu cho việc ứng phó COVID-19 lên tới 45.230 tỷ rupiah, trợ cấp cho nhân viên y tế 6.630 tỷ rupiah, bồi thường cho trường hợp tử vong 600 tỷ rupiah, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế quốc gia (JKN) 4.110 tỷ rupiah, hỗ trợ cho lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 là 3.500 nghìn tỷ rupiah, ưu đãi thuế trong lĩnh vực y tế là 3.490 tỷ rupiah, dự trữ cho chăm sóc sức khỏe và vaccine 5.000 tỷ rupiah, cũng như dự trữ cho chương trình tiêm chủng và bảo trợ xã hội vào năm 2021 lên tới 29,23 nghìn tỷ rupiah.
Trước đó, chuyên gia của Bộ Y tế Alexander Kaliaga Ginting cho biết dự kiến việc tiêm vaccine COVID-19 sẽ bắt đầu vào tháng 12/2020, ưu tiên các nhân viên y tế, nhân viên thực thi pháp luật, nhà giáo dục, công chức nhà nước tại các cơ quan lập pháp. Hiện nay, chính quyền trung ương cùng với chính quyền khu vực vẫn đang thảo luận và chuẩn bị kỹ thuật, hậu cần, truyền thông cho các đợt tiêm chủng vào tháng tới.
Thủ tướng Singapore kêu gọi đảm bảo nguồn cung vaccine COVID-19
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 diễn ra theo hình thức trực tuyến từ ngày 12-15/11, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh khu vực ASEAN cần phải đảm bảo sự cung ứng vaccine COVID-19 một cách công bằng, ổn định với chi phí phù hợp cho người dân khi các vaccine này sẵn sàng. Ông Lý Hiển Long kêu gọi về “chủ nghĩa đa phương vaccine” với việc nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác khu vực để giảm thiểu tác động lâu dài của đại dịch COVID-19.
Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, Singapore ủng hộ và hỗ trợ các sáng kiến về vaccine toàn cầu như Thuận lợi tiếp cận vaccine phòng COVID-19 trên phạm vi toàn cầu (Covax), sáng kiến có sự tham gia của nhiều quốc gia thành viên ASEAN cũng như các đối tác bên ngoài ASEAN của Singapore.
Ông Lý Hiển Long cho biết nhiều loại vaccine có tiềm năng hàng đầu đang được các đối tác của Singapore bên ngoài khối ASEAN cũng như các quốc gia thành viên ASEAN phát triển, và ASEAN nên phối hợp làm việc với các đối tác này để tạo điều kiện sản xuất và phân phối vaccine đáp ứng nhu cầu của khu vực.
Thủ tướng Lý Hiển Long cũng cho hay Singapore sẽ đóng góp 100.000 USD vào Quỹ Ứng phó COVID-19 ASEAN, giúp các quốc gia thành viên mua sắm vật tư và thiết bị y tế cần thiết để chống lại đại dịch này.
Về mặt kinh tế, theo ông Lý Hiển Long, các nhà lãnh đạo ASEAN nên nỗ lực để nâng cao khả năng cạnh tranh của ASEAN trên thế giới thời kỳ hậu COVID-19. Những khuôn khổ hiện có của ASEAN cũng có thể được thúc đẩy hơn nữa. Bên cạnh đó, sáng kiến Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN mới ra mắt gần đây cũng giúp tạo thuận lợi cho luồng hàng hóa xuyên biên giới. Ông Lý Hiển Long cho rằng những sáng kiến này có thể là chất xúc tác cho sự phục hồi của khu vực và cho phép ASEAN tận dụng công nghệ khi khu vực có sự điều chỉnh về “lối sống” và cách thức kinh doanh mới trong thế giới hậu COVID.