Chuyện nới lỏng “chính sách một con” ở Trung Quốc

Vừa lên mạng, mắt Vương Nhiên đã bị hút luôn vào cái tít “Vợ chồng đều là con độc nhất của gia đình có thể sinh con thứ hai”. Cô vội gọi điện cho chồng. Ở đầu dây bên kia, chồng của Vương Nhiên không dám tin vào những lời vợ nói, thốt lên: “Em đùa đấy à?” và anh cảm thấy vô cùng vui mừng khi biết thông tin đó hoàn toàn là thật.

Nhưng với một số người Trung Quốc, việc nới lỏng “chính sách một con” không tác động nhiều tới cuộc sống của họ, thậm chí đã xuất hiện những bất đồng trong giới chuyên gia về vấn đề này.

Từ 2011 - 2015, Trung Quốc có thể có khoảng 178 - 221 triệu người trên 60 tuổi.


Theo báo Đại Hà, ngày 25/11, tại kỳ họp thứ 24, Ban Thường vụ Nhân Đại tỉnh Hà Nam khóa 11 đã biểu quyết thông qua “Điều lệ Dân số và Kế hoạch hóa gia đình” sửa đổi, cho phép các cặp vợ chồng đều là con duy nhất của gia đình, nếu muốn sinh thêm, làm đơn đề nghị, được phê chuẩn, có thể sinh con thứ hai. Điều lệ cũng cho phép các cặp vợ chồng đều sống ở nông thôn, mới có một con gái, nếu muốn sinh thêm, làm đơn đề nghị, được phê chuẩn, có thể sinh con thứ hai… Với điều lệ trên, Hà Nam trở thành tỉnh cuối cùng của Trung Quốc nới lỏng “chính sách một con”.

Sau khi thông tin này được xác nhận, vợ chồng Vương Nhiên vô cùng vui mừng. Họ đều là con độc nhất của gia đình hai bên nội, ngoại, từ nhỏ đã rất ngưỡng mộ nhà nào có hai anh chị em. Hiện nay, gia đình Vương Nhiên đã có một bé trai 3 tuổi, nhưng họ không muốn cậu quý tử phải chịu cảnh lẻ loi, thui thủi như mình trong những năm thơ bé và áp lực đến từ việc phụng dưỡng 4 khẩu cha mẹ hai bên khi trưởng thành. Đối với các cặp vợ chồng nghèo, đã có một con gái, khát khao có một cậu con trai nối dõi tông đường, việc nới lỏng “chính sách một con” dường như giúp họ trút một gánh nặng. Bởi một khi hội đủ tiêu chuẩn, họ sẽ không bị phạt nữa. Ví dụ, theo tờ Điện tín của Anh số ra gần đây, muốn đẻ con thứ hai, các cặp vợ chồng ở thành phố Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông, phải nộp phạt 32.000 bảng Anh (khoảng 1,05 tỉ đồng VN), tương đương với nhiều năm lương của hai vợ chồng làm công nhân. Một lý do khác cũng khiến nhiều cặp vợ chồng là con độc nhất của gia đình nội, ngoại ở Trung Quốc vui mừng vì có thể sinh thêm con thứ hai là họ không muốn con mình được nuông chiều vì là con duy nhất hay phải tranh cãi về vấn đề đứa con sinh ra sẽ mang họ bố hay họ mẹ.

Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng trẻ khác lại tỏ ra không hào hứng mấy với việc nới lỏng “chính sách một con”. Trả lời phỏng vấn báo Đại Hà, vợ chồng Thái Lượng cho biết, họ sẽ không sinh thêm con thứ hai vì việc dưỡng dục con cái hiện quá tốn kém. Theo tính toán của Thái Lượng, nuôi một đứa con tới 8 tuổi phải bỏ ra khoảng 500.000 nhân dân tệ (hơn 1,6 tỉ đồng), nuôi hai đứa con sẽ mất khoảng 1 triệu nhân dân tệ (hơn 3,2 tỉ đồng). Với thu nhập hiện nay, họ không thể chịu nổi gánh nặng này. Kết quả một cuộc điều tra do Hội Liên hiệp Phụ nữ và Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải công bố hồi tháng 8 vừa qua cũng cho thấy do việc dưỡng dục con cái “vừa đắt lại mệt”, nên gần 50% gia đình ở Thượng Hải từ bỏ việc sinh con thứ hai. Bên cạnh đó phải thấy rằng các cặp vợ chồng trẻ ở Trung Quốc hiện nay, đặc biệt là thế hệ hậu 8X, cũng ít quan tâm hơn tới chuyện kế tục hương hỏa so với cha mẹ, ông bà, nên với một số người, dù “chính sách một con” được nới lỏng và có đủ điều kiện, nhưng họ sẽ không sinh thêm con.

Theo nhiều chuyên gia, tại một số thành phố lớn của Trung Quốc đã xuất hiện tình trạng tỉ lệ sinh giảm xuống, đặc biệt là trong cư dân bản địa. Điều này phù hợp với quy luật quốc tế: Sau khi mức sống đạt đến một trình độ nhất định, không cần chính quyền phải kiểm soát, dân số sẽ không gia tăng nữa, thậm chí còn giảm xuống. Thực tế cho thấy tại nhiều nước phát triển, chính phủ đã phải đưa ra các chính sách khuyến khích sinh đẻ. Ví dụ tại Nga, các bà mẹ sinh trên 6 con sẽ được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Anh hùng”, được nghỉ thai sản 3 năm hưởng nguyên lương cùng các chế độ khác. Ngoài chính sách của trung ương, các địa phương ở Nga còn đưa ra thêm nhiều sự hỗ trợ khác đối với các bà mẹ sinh nhiều con như tặng xe, tặng nhà như tại Belgorod, thậm chí là thăng chức như tại Ulyanovsk.

Chính vì lý do trên, đại biểu Nhân đại tỉnh Hà Nam, Đổng Quảng An, cho rằng, việc điều chỉnh “chính sách một con” sẽ không dẫn tới việc gia tăng dân số mạnh mẽ. Vì việc điều chỉnh này chủ yếu ảnh hưởng tới người thành phố mà rất nhiều cư dân thành phố chuyên tâm cho sự nghiệp, tất bật với công việc, chịu áp lực lớn, cho nên không phải tất cả các cặp vợ chồng là con độc nhất của gia đình hai bên nội, ngoại đều muốn sinh con thứ hai. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh này, theo chuyên gia dân số Lưu Quân Triết thuộc Viện Khoa học Xã hội Hà Nam, còn giúp giảm bớt gánh nặng của việc dưỡng lão và kích thích nhu cầu trong nước. Do vậy, một số học giả Trung Quốc còn chủ trương bỏ dần chính sách kế hoạch hóa gia đình, mạnh dạn mở cửa cho chính sách hai con nhằm ứng phó với việc thời kỳ dân số vàng dần kết thúc và tình trạng lão hóa dân số.

Tuy nhiên, trong một phát biểu được tờ Bắc Kinh Buổi sáng trích dẫn, Giáo sư Trác Chấn Vũ thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng trong khoảng 30 năm tới, dân số Trung Quốc sẽ tăng ròng khoảng 200 triệu người, tới năm 2033, tổng dân số đạt 1,5 tỉ người. Việc tổng dân số tiếp tục gia tăng sẽ làm cho mâu thuẫn giữa dân số và môi trường tài nguyên trở nên ngày một gay gắt. Cộng thêm việc cơ số dân số quá lớn, xu thế sinh chưa rõ ràng, nên Trung Quốc vẫn phải duy trì và phát triển cân bằng chính sách dân số tổng hợp, thận trọng trong việc sinh hai con.

Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN