Theo phóng viên TTXVN tại Ai Cập, phát biểu bên lề Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra từ ngày 6-18/11tại thành phố Sharm El Sheikh, ở Biển Đỏ, Bộ trưởng el-Saeed cho biết Hội nghị COP27 chủ yếu nhằm tập trung đánh giá những tiến bộ mà thế giới đạt được cho đến nay trong việc thực hiện các cơ chế đối phó với biến đổi khí hậu.
Theo quan chức Ai Cập, mặc dù nhân loại đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong những năm qua trong vấn đề này, nhưng các nước ở phía Nam bán cầu hiện đang phải đối mặt với những trở ngại trong việc ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan. Trích dẫn số liệu của Cơ quan Chiến lược quốc tế Liên hiệp quốc về giảm nhẹ thiên tai (UNISDR), bộ trưởng Ai Cập khẳng định nếu không có những biện pháp can thiệp nhanh chóng, thì chi phí thiệt hại do thiên tai gây ra ở châu Phi sẽ tăng lên 415 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.
Bộ trưởng el-Saeed cũng tiết lộ rằng trong thời gian qua, Ai Cập đã triển khai chương trình cải cách cơ cấu nhằm tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân vào nền kinh tế, hướng tới mục tiêu nhằm giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu. Tiến trình hướng tới chuyển đổi xanh của Ai Cập là một cột mốc quan trọng trong chương trình này, đồng thời lưu ý rằng quốc gia Bắc Phi này có mục tiêu hướng các khoản đầu tư trong và ngoài nước vào các hoạt động kinh tế xanh.
Ngoài ra, được thành lập cách đây 3 năm, Quỹ Chủ quyền của Ai Cập, là một cơ chế đáng tin cậy của chính phủ Ai Cập nhằm thúc đẩy các khoản đầu tư từ khu vực tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh và năng lượng tái tạo. Quốc gia Bắc Phi này đã đưa ra nhiều các sáng kiến xanh trước và trong khuôn khổ Hội nghị COP27 với kế hoạch tăng cường đầu tư xanh lên 50% tổng đầu tư công vào năm 2024/2025, tăng từ mức 40% hiện nay.
Hội nghị COP27 hướng tới việc giảm lượng khí thải carbon gây biến đổi khí hậu và giải quyết các tác động khí hậu hiện nay. Ai Cập đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải cam kết thực hiện mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C theo Thỏa thuận Paris được ký kết tại COP21 vào năm 2015. COP27 có sự tham dự của các phái đoàn đến từ gần 200 nước, khoảng 110 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ cùng với hơn 40.000 đại biểu khác. Đây là hội nghị thượng đỉnh về khí hậu có số lượng người tham gia đông đảo nhất từ trước đến nay.