Các quốc gia thành viên châu Âu dự kiến ký “Chiến lược kết nối châu Á” có mục tiêu cải thiện liên kết giao thông, năng lượng và quảng bá tiêu chuẩn môi trường, lao động ở thời điểm một hội nghị dành cho các lãnh đạo EU và châu Á dự kiến tổ chức trong tháng 10.
Hãng thông tấn AFP (Pháp) cho biết điều đánh chú ý là “Chiến lược kết nối châu Á” được khởi động ở thời điểm “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc gây lo ngại, vấp phải cáo buộc tạo "bẫy nợ".
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini cho biết đàm phán về “Chiến lược kết nối châu Á” đã diễn ra trong nhiều tháng với một số quốc gia châu Á “thích thú với trải nghiệm phương pháp kiểu châu Âu”.
Bà Federica Mogherini nhấn mạnh: “Ý tưởng của chúng tôi là hướng đến tạo việc làm và phát triển kinh tế cũng như đem lợi ích đến cho cộng đồng địa phương”.
Chiến lược này xuất hiện sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đề nghị có chính sách đối ngoại châu Âu mạnh mẽ hơn để phù hợp với năng lực kinh tế của liên minh, đối trọng không chỉ với “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump mà còn với cả các hoạt động của Trung Quốc tại châu Phi, châu Á.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào đầu tháng 9 cho biết trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với các quốc gia “Vành đai, Con đường” đã vượt ngưỡng 5.000 tỷ USD, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài hơn 60 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng số tiền này thực ra đem đến gánh nặng nhiều hơn là lợi ích.
Trường hợp thực tế gây chú ý là trong năm 2017, Sri Lanka buộc phải cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược trong 99 năm do Colombo không thể trả số nợ 1,4 tỷ USD cho dự án này.
Vào tháng 8 vừa qua, Malaysia đã ngưng 3 dự án do Trung Quốc hỗ trợ, bao gồm hệ thống đường ray trị giá 20 tỷ USD.